Bài 2: Điệp khúc… điều chỉnh và gia hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình hình thị trường bất động sản (BĐS) ảm đạm là điều ai cũng thấy, nhưng không phải lúc nào nguyên nhân cũng do điều kiện khách quan. Vướng một vài khâu trong quá trình triển khai xây dựng đầu tư cũng khiến thời cơ của doanh nghiệp qua đi. Thậm chí một số dự án đã phải điều chỉnh lại vài hạng mục so với quy hoạch ban đầu, một số phải xin gia hạn thêm thời gian hoàn thành dự án.

Ảnh: Hà Duy
Ảnh: Hà Duy

Con sâu làm rầu nồi canh

Giải phóng mặt bằng xưa nay vẫn là vấn đề làm đau đầu các nhà đầu tư. Thực tế, nhiều dự án BĐS trên địa bàn TP. Pleiku bị bỏ lỡ hoặc không thể hoàn thành đúng tiến độ bởi một vài hộ dân không chấp nhận phương án thỏa thuận đền bù để giải phóng mặt bằng. Dự án Khu Phố mới Hoa Lư-Phù Đổng của Công ty FBS có quy mô 15,6 ha nằm khu vực 3 phường Hoa Lư, Hội Thương, Phù Đổng, dọc theo tuyến quốc lộ 14 (Nguyễn Tất Thành) đoạn qua TP. Pleiku, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010. Đây sẽ là một tổ hợp gồm khu vực thương mại, văn phòng cao cấp, trường mầm non, nhà ở biệt thự và căn hộ cao cấp. Nhưng vướng mắc lớn nhất của dự án là đã 8 năm nhưng vẫn chưa thực hiện xong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, tại khu vực Hoa Lư, còn 1 hộ dân nhưng ảnh hưởng rất lớn vì không thông tuyến được đường dân sinh vùng giáp ranh dự án, khiến người dân vùng giáp ranh dự án đi lại rất khó khăn; không đấu nối được đường D1 Tạ Quang Bửu với đường hiện trạng. Bên cạnh đó, các hộ dân còn lại (khu vực phường Phù Đổng) không chịu làm thủ tục hồ sơ kê khai tài sản đền bù, không hợp tác cùng các cơ quan làm công tác đền bù. Đó là chưa kể tới một số hộ, mặc dù đã có quyết định phê duyệt phương án đền bù của UBND tỉnh từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa chịu nhận tiền. Rất nhiều lần nhà đầu tư phối hợp cùng chính quyền địa phương đến trực tiếp từng nhà các hộ dân để vận động, thuyết phục phát hồ sơ và hướng dẫn kê khai nhưng các hộ vẫn chưa đồng ý. Hiện còn 17 hộ không chịu kê khai thủ tục hồ sơ đền bù.

Công ty VK.Highland có 3 dự án. Khu Đô thị Cầu Sắt với quy hoạch đất ở khoảng 170.000 m2 dùng để xây dựng 1.023 căn nhà các loại (gồm nhà 1,5 tầng (467 căn); nhà 2 tầng (382 căn), nhà 2,5 tầng (32 căn), biệt thự (192 căn). Hiện tại dự án đã xong 5 căn nhà 2 tầng và đã có người ở. Dự án khu dân cư Quân đoàn 3: gồm 104 căn nhà liền kề với diện tích đất khoảng gần 12.550 m2. Hiện đã xong khâu giải phóng mặt bằng và đã xây 2 căn liền kề. Dự án Trung tâm Thương mại Hội Phú gồm 119 căn nhà 2,5 tầng; 1 Trung tâm Thương mại và 1 chung cư cao tầng (gồm 2 khối 20 tầng và 1 khối 17 tầng). Hiện tại, Trung tâm Thương mại đã xong, đang làm thủ tục bàn giao cho thành phố quản lý. Còn những hạng mục khác đang vướng khâu giải phóng mặt bằng với 13 hồ sơ chưa xử lý xong.

Khi doanh nghiệp mất cơ hội

Có không ít dự án bất động sản triển khai với tầm nhìn, 50 năm và thậm chí xa hơn nữa. Và “thời điểm vàng” theo chủ đầu tư chính là thời điểm sau khi dự án hoàn thành. Song do lỗi từ nhiều phía (giải phóng mặt bằng, thiếu vốn) đã làm dự án bị chậm, phải gia hạn và điều chỉnh dự án… Dự án Khu Dân cư đường Nguyễn Văn Linh của Công ty Saigon Highland là một ví dụ điển hình. Đây là dự án trọng tâm trong định hướng chiến lược phát triển thành đô thị loại I trong giai đoạn 2010-2020 của TP. Pleiku. Trước tình hình bộ mặt đô thị của thành phố có nhiều thay đổi trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dân số ngày càng đông lên, nhu cầu về căn hộ của người dân tầng lớp trung lưu, thu nhập khá ở các huyện, thị xã cũng cao nên dự án hình thành sẽ giải quyết nhu cầu về nhà ở cho tất cả những đối tượng này. Với quy mô gần 95 ha, Khu Dân cư Nguyễn Văn Linh có gần 1.260 lô đất tái định cư, gần 360 lô đất ở liền kề, 213 lô đất biệt thự ven hồ; có cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại… Nhưng tình hình thực tế hiện tại đã buộc dự án phải chỉnh sửa lại một số điểm trong quy hoạch để phù hợp với tình hình thực tế.

Bế tắc nhất phải kể đến Công ty TNHH một thành viên Tân Hải Minh với dự án Cao ốc liên hợp TAHAMI. Theo đó, cao ốc tọa lạc tại bến xe cũ của TP. Pleiku, gồm một cụm chung cư 3 khối nhà cao 18 tầng cung cấp 432 căn hộ có diện tích 80 m2-120 m2. Thị trường BĐS đóng băng, lãi suất ngân hàng quá cao dẫn đến công ty mất khả năng trụ lại. Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định chấm dứt hoạt động dự án bởi từ ngày được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư (30-1-2007) và quyết định điều chỉnh thỏa thuận dự án (24-11-2010) đến nay, Công ty TNHH một thành viên Tân Hải Minh Gia Lai triển khai thực hiện dự án không đúng tiến độ như đã cam kết.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.