Bài cuối: Khi phong trào được nhân dân hưởng ứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quảng Lập, Nam Dong, Ea Kao-những điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên đều có khởi đầu khó khăn. Song nhờ biết khơi dậy tính tự chủ, tự giác trong việc tham gia đóng góp của người dân dưới dự hỗ trợ của Nhà nước nên đã tạo ra phong trào nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới...

Lãnh đạo các xã: Quảng Lập, Nam Dong, Ea Kao đều thừa nhận ngày đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hết sức khó khăn, vì phần lớn nhân dân cho rằng không có tiền làm. Để “đả thông” tư tưởng, lãnh đạo các xã tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nội dung xây dựng nông thôn mới và xem công tác này là mấu chốt dẫn đến thành công.
 

Pa nô tuyên truyền nông thôn mới đặt tại nơi công cộng. Ảnh: Q.V
Pa nô tuyên truyền nông thôn mới đặt tại nơi công cộng. Ảnh: Q.V

Theo đó, ngoài hệ thống truyền thông tỉnh, huyện, chương trình phát sóng của đài truyền thanh xã mỗi ngày đều dành thời lượng nhất định để tuyên truyền mục đích, nội dung, quan điểm chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, 19 tiêu chí, những tập thể, cá nhân điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Cá biệt, xã Ea Kao và một số địa phương khác như xã Quảng Điền, huyện Krông Ana; 6 xã của huyện Cư Kuin (Đak Lak) đã in tờ rơi xây dựng nông thôn mới phát cho người dân, xây dựng pa nô tuyên truyền nông thôn mới đặt tại nơi công cộng…
 

Đường giao thông nông thôn ở Lâm Đồng. Ảnh: M.Thi
Đường giao thông nông thôn ở Lâm Đồng. Ảnh: M.Thi

Nhận thức của đại bộ phận nhân dân về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới được cải thiện theo mật độ tuyên truyền, song để nâng sự cải thiện nhận thức thành phong trào nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới cần có bước đột phá. Vì vậy, khởi động kế hoạch xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo các xã trên không tiến hành đại trà, mà chọn 1 thôn làm điểm, hoặc xây dựng 1 công trình thiết thực với nhu cầu của nhân dân để nhân rộng. Nếu như xã Quảng Lập khởi đầu bằng công trình chợ thì xã Ea Kao chọn thôn 4, xã Nam Dong chọn thôn 6 làm điểm triển khai tiêu chí làm đường giao thông nông thôn. Quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là bàn lùi từ phía người dân. Giải quyết tình thế này là bám dân, giải thích cho dân theo hướng công trình đó phải được thực hiện và phải “kích” sự ganh đua trong dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm của tỉnh Lâm Đồng, Đak Lak, Đak Nông nhận được sự đồng thuận của người dân. Hiệu quả thực hiện các phần việc tại các thôn điểm, công trình điểm là bằng chứng thuyết phục để người dân ủng hộ, nhân rộng phong trào xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân được cải thiện. Thành quả bước đầu được Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng Lê Văn Minh và Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đak Lak Dương Tín Đức nhìn nhận: Nhờ nội lực các xã và đội ngũ cán bộ xã có năng lực, tâm huyết với xây dựng nông thôn mới.

Tiếp sức cho đội ngũ cán bộ xã chính là định hướng và cơ chế hỗ trợ của tỉnh để “giữ lửa” cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Do xuất phát điểm các xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới không đồng đều, nên tỉnh ưu tiên phần việc nâng cao thu nhập cho nhân dân và hỗ trợ sản xuất đối với những xã có nội lực yếu. Theo đó, các cơ quan chuyên môn, tỉnh, huyện tập trung nguồn vốn xây dựng mô hình điểm như: nuôi gà H’Mông, trồng ca cao dưới tán điều, trồng rau an toàn, nuôi cá lăng nha đuôi đỏ, ghép cải tạo vườn cà phê… để người dân nâng cao thu nhập. Đối với các xã có nội lực khá sẽ tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, trong đó giao thông là yếu tố thúc đẩy giao thương phát triển.

Vì vậy, mỗi địa phương đều có cơ chế đầu tư cho lĩnh vực giao thông nói riêng, kết cấu hạ tầng nói chung. Điển hình, UBND tỉnh Lâm Đồng có đề án phát triển giao thông nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. UBND tỉnh Đak Lak có cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn mới giai đoạn 2012-2015. Điểm nổi bật cơ chế đầu tư của tỉnh Đak Lak là dùng ngân sách tỉnh quản lý hỗ trợ làm đường giao thông cho các xã điểm theo định mức 50% chi phí vật tư, ca máy thi công trước thuế đối với huyện loại 1; mức hỗ trợ tăng lên theo trình tự từ 70%; 80%; 100% cho huyện loại 2, 3, 4.

Phần chi phí vật tư, thi công làm đường trước thuế còn lại ngân sách huyện, xã hỗ trợ; chi phí nhân công, thuế VAT… nhân dân góp. Hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao tại các xã điểm của tỉnh và huyện. Định mức hỗ trợ trình tự: 100% cho các xã điểm đặc biệt khó khăn; 30%, 50%, 70%, 90% cho các xã thuộc huyện loại 1, 2, 3 và 4; hỗ trợ mua xe gom rác; xây dựng khu chứa rác tập trung…

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.