Bài 1: Quảng Lập đi lên từ chợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cũng như các địa phương khác trong cả nước, các tỉnh khu vực Tây Nguyên khởi động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn nảy sinh từ đặc thù riêng của từng tỉnh. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, nhiều địa phương đã tạo được dấu ấn riêng; đã xuất hiện điển hình huy động nguồn lực trong dân để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn.

Chúng tôi đến xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đúng vào lúc lãnh đạo xã đang họp. Ông Nguyễn Quốc Tuấn-cán bộ Văn phòng UBND xã cho biết: Quảng Lập có 1.030 hộ dân, với 5 thôn; là một trong 29 xã được UBND tỉnh Lâm Đồng chọn ưu tiên xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 27 triệu đồng/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2011 nhờ trồng hoa, rau thương phẩm và kinh doanh dịch vụ, thương mại.

 

Ảnh: Quang Văn
Ảnh: Quang Văn

Nông dân đưa giống xà lách xuống ruộng, thương lái đã đến đặt giá 8 triệu đồng/sào. Trồng sú bán cả vườn, giá 1.000 đồng/cây. Trung bình một hộ có vài sào đến 1 ha đất cho nên thu nhập khá. Tiêu chí tăng thu nhập bình quân đầu người đạt chuẩn nông thôn mới ngay năm đầu xây dựng nông thôn mới là thuận lợi để triển khai các phần việc tiếp theo; nhất là huy động nguồn lực của dân kết hợp Nhà nước đầu tư hoàn thành các tiêu chí tiệm cận chuẩn nông thôn mới như: quy hoạch, thủy lợi, nhà ở, chợ và hệ thống chính trị. Đến cuối năm 2011, UBND huyện Đơn Dương đã công nhận 6 tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số tiêu chí đạt chuẩn lên 13 tiêu chí.
 

Lâm Đồng có 114 xã, trong đó 41 xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010-2015. Trong 41 xã ưu tiên trên đến thời điểm này, số xã có 14 đến 18 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là 2 xã; 21 xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí và 18 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí. Tính đến hết tháng 9-2012, tổng vốn đầu tư cho 41 xã đạt gần 3.091 tỷ đồng, trong đó vốn dân góp 21,2 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 67,344 tỷ đồng, các huyện, thành phố bố trí ngân sách cho chương trình xây dựng nông thôn mới là 26,155 tỷ đồng…             

(Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng)

Hơn 11 giờ, sau khi kết thúc cuộc họp, Chủ tịch UBND xã Quảng Lập-ông Nguyễn Bình Trị tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi. Theo ông, việc xây dựng nông thôn mới của xã được bắt đầu từ chợ Quảng Lập. Trong ký ức người dân trong xã còn nhớ cảnh họp chợ trên thửa đất hẹp. Muốn xây chợ nhưng trải qua 4 nhiệm kỳ vẫn chưa làm được. Năm 2010, xã quyết định xây chợ trên 15.066 m2 đất, quy mô 260 quầy, sạp. Lúc ấy, nhiều người dọa: Xây chợ thành công thì lãnh đạo xã nổi tiếng, ngược lại thì… chết! Tuy thế lãnh đạo xã vẫn quyết tâm xây chợ với vốn đầu tư trên 11 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng.

Để có tiền, xã công bố kế hoạch đấu giá quầy sạp, cam kết miễn thuế 1 năm cho tiểu thương. Khi tiểu thương chấp nhận giá 22-52 triệu đồng/lô tùy theo vị trí, thời gian sử dụng 25 năm thì tiến hành bốc thăm. “Chợ hoạt động chưa lâu, cán bộ Thuế của huyện đến làm thủ tục thu thuế. Tôi nói: Lãnh đạo xã cam kết miễn thuế 1 năm, giờ bảo thu thì ăn nói sao với dân. Huyện kỷ luật-tôi chịu, chứ không thể thu thuế. Sự quyết liệt ấy tạo lòng tin, sự ủng hộ của dân trong xây dựng nông thôn mới”-ông Trị kể lại.

Những năm qua, người dân ở Quảng Lập góp hơn 2,4 tỷ đồng đối ứng với vốn nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Quá trình xây dựng, dân là người tìm mẫu, vẽ thiết kế, giám sát thi công công trình nhà văn hóa xã, hội trường thôn Quảng Lợi, Quảng Thuận, Quảng Tân; làm hơn 5 km đường giao thông. Cách huy động vốn làm đường của xã là lấy tổng vốn đầu tư, trừ phần Nhà nước hỗ trợ, còn lại chia bình quân 1 mét ngang mặt đường để xác định mức đóng góp từng hộ. Được cái, mạng lưới giao thông của xã kết cấu theo ô bàn cờ, hộ nào cũng ở mặt đường nên dân không so đo thiệt hơn.

Việc thu tiền do ban vận động thôn đảm nhiệm, tiền thu  nộp vào tài khoản chung. Đường làm xong, các hộ tự mắc bóng đèn đường nên Quảng Lập về đêm rực sáng như phố thị. Theo ông Trị, đèn điện rực sáng như bây giờ là do “ganh” nhau mà thành. Tiền mua bóng đèn đường dân tự thống nhất, ủng hộ khoảng 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/hộ. Sau khi trừ chi phí, còn dư dùng làm quỹ, tiếp đến mỗi hộ đóng thêm 10-20 ngàn đồng/tháng bổ sung vào quỹ. Các hộ trên tuyến đường cử một người đi thu tiền kiêm quản lý đèn đường và nhận thù lao 300 ngàn đồng/tháng từ nguồn quỹ trên. Khi hệ thống đèn đường có sự cố, người quản lý thông báo và mời đại diện chính quyền, mặt trận, đoàn thể thôn và cả hộ dân nơi bóng đèn bị hỏng tiến hành kiểm tra, thống nhất cho sửa chữa.

Đến nay, xã Quảng Lập có 13/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới và sẽ tăng lên 16 tiêu chí vào cuối năm 2012. Khẳng định như thế, vì xã thành lập hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau sạch để tăng giá trị kinh tế rau thương phẩm-cây trồng chủ lực trên địa bàn.

Ngoài ra, xã còn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi. Dù vẫn còn 3 tiêu chí chưa đạt là trường học, giao thông, cơ cấu lao động, song với đà này Quảng Lập sẽ đạt xã nông thôn mới vào năm 2013 là hoàn toàn có thể. Theo lời ông Trị, kết quả nói ra chỉ vài phút, nhưng là cả một quá trình phấn đầu gian khổ. Kinh nghiệm rút ra là làm việc gì cũng thảo luận với dân, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của dân, chăm lo cho dân và phát huy vai trò của những người có uy tín.

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.