Hướng đi đúng của ngành chăn nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là tỉnh nằm trong vùng sinh thái khí hậu đặc thù của Tây Nguyên, có đồng cỏ tự nhiên rộng lớn và đa dạng. Đây là lợi thế lớn để phát triển ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc ăn cỏ.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Gia Lai đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa các tiến bộ mới về giống, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi đại gia súc. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 350.000 con bò, trên 12.000 con trâu (đứng thứ 3 cả nước), tốc độ tăng đàn gia súc hàng năm là 3,4%. Song song với việc phát triển số lượng và chất lượng đàn gia súc, hàng năm đồng cỏ cũng được người chăn nuôi mở rộng.

 

Mô hình trồng cỏ VA06 và cỏ Hamill đạt hiệu quả cao ở huyện Đak Pơ và Kbang.Ảnh: T.B.Đ
Mô hình trồng cỏ VA06 và cỏ Hamill đạt hiệu quả cao ở huyện Đak Pơ và Kbang. Ảnh: T.B.Đ

Năm 2010, diện tích đồng cỏ toàn tỉnh là 1.072 ha, một số địa phương có đồng cỏ lớn như Kbang (281 ha), Krông Pa (293 ha), Đak Pơ (295 ha)… Tuy nhiên, tốc độ phát triển nguồn thức ăn xanh như hiện nay chưa tương xứng với tốc độ phát triển của đàn gia súc. Hiện tổng sản lượng đồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thức ăn thô xanh cho đàn gia súc (chưa kể nhu cầu thức ăn thô xanh của các loại vật nuôi ăn cỏ khác).

Nhìn chung, thực trạng chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiện nay ở Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng thì việc phát triển trồng cỏ còn nhiều yếu tố hạn chế như: người chăn nuôi chưa chú trọng vấn đề trồng cỏ, kỹ thuật thâm canh còn lạc hậu, giống cỏ năng suất chất lượng cao chưa được phổ biến… Theo đó, chất lượng đàn gia súc cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tình trạng thiếu cỏ trong mùa khô làm cho gia súc gầy, phát triển kém, phải sử dụng nhiều thức ăn tinh nên hiệu qủa chăn nuôi thấp.  

Theo chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, chăn nuôi gia súc ăn cỏ được xác định là một trong những thế mạnh của giai đoạn 2010- 2015, đặc biệt là với 2 huyện Kbang và Đak Pơ. Do vậy, để chăn nuôi gia súc với mục đích hàng hóa, nâng cao năng suất chất lượng thịt bò trên thị trường nội địa thì không thể trông chờ vào thảm cỏ tự nhiên, mà phải chủ động tạo ra nguồn thức ăn thô xanh quanh năm cho gia súc. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, ngoài cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào khu vực chăn nuôi đại gia súc tập trung, trang trại sản xuất hàng hóa, chuyển đổi một phần diện tích kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò thì việc lựa chọn giống cỏ có năng suất, chất lượng cao và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cỏ là một trong những cách giải quyết tốt nhất.

Mới đây, Ban Quản lý dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi gia súc lớn đã triển khai dự án: “Sản xuất thức ăn xanh trong mùa khô để phục vụ chăn nuôi bò ở nông hộ”. Dự án tập trung chuyển giao kỹ thuật trồng một số giống cỏ tốt, thích hợp với điều kiện của địa phương; đồng thời đưa ra các giải pháp chế biến ủ chua dự trữ thức ăn (cho mùa khô), phục vụ chăn nuôi trâu bò. Đây là điều kiện tiên quyết, đảm bảo cho chăn nuôi mang tính bền vững và hiệu quả cao.

Dự án được triển khai thí điểm tại 8 hộ nuôi bò ở 2 huyện Kbang và Đak Pơ với diện tích 1,6 ha. Mỗi mô hình (hộ) là 2.000 m2, trong đó 1.000 m2 trồng cỏ VA06 và 1.000 m2 trồng cỏ Hamill. Qua tổng kết mô hình cho thấy: Kết quả thu được về năng suất chất xanh của 2 giống cỏ nói trên đạt khá cao, trung bình 7,79 tấn/1.000 m2 đối với VA06 (tương đương 77,9 tấn/ha/lứa cắt, nếu tính trên ha/năm, cỏ VA06 đạt năng suất 434,88 tấn); với giống cỏ Hamill đạt 4,32 tấn/1.000 m2 (tương đương 43,2 tấn/ha/lứa cắt, nếu tính ha/năm, cỏ Hamill đạt năng suất 372,8 tấn).

Mô hình tại gia đình anh Trần Trung Trực (xã Nghĩa An- huyện Kbang) cho năng suất cao nhất trên cây cỏ VA06 (9,15 tấn/1.000 m2). Mô hình tại gia đình anh Đặng Văn Diễn (xã Hà Tam-huyện Đak Pơ) lại cho năng suất cao trên giống cỏ Hamill (4,67 tấn/1.000 m2). Như vậy, cả 2 giống cỏ triển khai mô hình đã đem lại năng suất vượt trội so với các khu vực khác, kể cả những nơi có kinh nghiệm như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh (200-300 tấn/ha). Điều đó cho thấy, ngoài ý thức thực hiện mô hình của các hộ tham gia, sự bám sát theo dõi của các cán bộ kỹ thuật thì điều kiện đất đai, khí hậu tại đây khá phù hợp cho sự phát triển của 2 giống cỏ này.

Ông Mai Xuân Ân- chủ mô hình ở thôn 3 xã Hà Tam-huyện Đak Pơ, cho biết: Gia đình ông triển khai mô hình từ tháng 4-2012. Được cán bộ chuyên trách hướng dẫn nhiệt tình và cụ thể nên tỷ lệ nảy mầm đạt cao. Giống cỏ Hamill lá xanh, ít lông nên bò rất thích ăn. Tổng kết mô hình, thu hoạch đạt 5,5 kg/m2 với giống cỏ Hamill, 7,5 kg/m2 với giống VA06 (lứa đầu). Ông cho biết: “Khi thu hoạch, nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương thấy hiệu quả cao nên đến tìm hiểu. Đề nghị ngành nông nghiệp và địa phương cần phát triển mô hình này trên địa bàn”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang- ông Phạm Xuân Trường, nhận xét: “Đây là một dự án có tính thực tiễn cao, mang lại hiệu quả rõ rệt. Kbang là địa bàn có truyền thống chăn nuôi bò nên huyện đề nghị Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi gia súc lớn cần sớm chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho bà con chăn nuôi. Về phía huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan tích cực phát triển dự án để đạt và vượt mục tiêu đề ra trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc lớn”.

Trần Bình Định

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.