Cầu nối giữa ngân hàng đến với nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tổ vay vốn thôn 5 của xã Ia Pal, huyện Chư Sê có 62 thành viên. Đây là tổ có số lượng hội viên đông nhất, mức dư nợ lớn nhất xã và đặc biệt là không có nợ quá hạn. Nếu tính mức dư nợ 1,2 tỷ đồng/tổ vay vốn thì đây không là con số ấn tượng nhưng nhờ cách làm, cách sử dụng đồng vốn hiệu quả mới là điều đáng bàn.

Cũng như nhiều địa phương, trưởng thôn Vũ Văn Quyến kiêm nhiệm tổ trưởng 2 năm nay. Để trở thành cầu nối giữa Ngân hàng và nông dân, đưa chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn (NNNT) theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống, bản thân tổ trưởng phải nắm bắt và chuyển tải nội dung đến từng hộ gia đình hội viên. Thông qua tổ vay vốn, hồ sơ và thủ tục được đơn giản hóa, thời gian xét duyệt và giải ngân vốn chỉ từ 2 đến 4 ngày nên hơn 50% tổ viên đăng ký vay vốn, 100% tổ viên sử dụng dịch vụ bảo an tín dụng và mở thẻ ATM của Agribank.

 

Ông Quyến trao đổi kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu với bà Lộc. Ảnh: S.C
Ông Quyến trao đổi kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu với bà Lộc. Ảnh: S.C

Là tổ trưởng tổ vay vốn nên bản thân anh Quyến thấu hiểu lợi ích việc sử dụng nguồn vốn vay đầu tư sản xuất nông nghiệp sao cho hợp lý, hiệu quả. Hiện nay, 1 ha cà phê kinh doanh và 1.000 trụ tiêu đang ra quả đã tạo nguồn thu ổn định, lâu dài cho gia đình anh. Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Quyến luôn đề cao tinh thần trách nhiệm và quan tâm chia sẻ, động viên các gia đình trong tổ.

Đời sống các thành viên trong tổ đang dần được nâng cao, nhiều gia đình đã xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nói về điều này, anh Quyến cho rằng đó là nhờ đồng vốn của ngân hàng hỗ trợ đúng lúc, đúng đối tượng. Hiện nay, 1/3 tổ viên vay vốn theo Nghị định 41/CP ở mức 50 triệu đồng/hộ và sắp tới đây khoảng 90% hộ viên sẽ nâng mức vay từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng.

Điển hình cho tấm gương vươn lên xóa đói giảm nghèo trong tổ là gia đình bà Nguyễn Thị Lộc. Hơn 10 năm trước, gia đình bà Lộc thuộc diện hộ nghèo khi người chồng-vốn là lao động chính trong nhà-lâm bệnh nặng. Cả nhà thiếu trước hụt sau, gánh nặng đổ dồn lên vai bà Lộc. Thế nhưng bằng ý chí kiên cường và sự cần cù nỗ lực vượt khó, bà Lộc đã từng bước cải thiện được cuộc sống của gia đình.

Chia sẻ về những ngày đã qua, bà bộc  bạch: “Năm 2004, tôi được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện vay vốn tín chấp 5 triệu đồng để nuôi bò. Sau 3 năm cần cù lao động, tôi đã gây dựng được đàn bò, bước đầu thành công đó đã giúp tôi mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất theo mô hình kết hợp chăn nuôi-trồng trọt. Đến nay, gia đình trồng được 500 cây cà phê, 400 trụ tiêu và có 6 con bò. Không có tài sản, vốn liếng gì trong tay, nếu không nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng thì tôi đã không có cơ hội thay đổi như hôm nay”.  

Mức vay 30 triệu đồng, lãi suất 13%/năm cũng vừa đủ để gia đình đầu tư sản xuất theo mùa vụ. Theo tính toán của bà Lộc, sau khi thu hái xong cà phê trước Tết Âm lịch cũng sắp đến mùa thu hoạch tiêu. Với nguồn thu gối đầu quanh năm, gia đình an tâm trả dứt điểm số tiền đã vay của năm 2012. “Làm gì thì làm chứ tôi quyết không để nợ ngân hàng, gốc lãi phải trả đầy đủ, đúng kỳ hạn. Năm nay tôi vay 30 triệu đồng nhưng sang năm tôi xin nâng lên 50 triệu đồng để đầu tư trồng thêm 200 trụ tiêu nữa”-bà Lộc phấn chấn nói...

Hải Bình

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.