Xuất khẩu gạo năm 2012 sẽ gặp nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Đồng Nai.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Đồng Nai.

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6-1, VFA nhận định, xuất khẩu gạo năm 2012 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình này đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị cho rằng, đây là lúc các doanh nghiệp trong ngành cần phải đồng lòng, thống nhất trong triển khai các kế hoạch của Hiệp hội cũng như Tổ điều hành giá gạo xuất khẩu.

Khó khăn hiện hữu

Theo báo cáo xuất khẩu gạo của VFA, năm 2011, cả nước xuất khẩu đạt 7,105 triệu tấn gạo với trị giá 3,507 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến trong năm 2012 sẽ xuất khẩu từ 6,5-7 triệu tấn gạo các loại.

Ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch VFA đánh giá, trong năm 2011 người trồng lúa vừa được mùa vừa được giá, mức giá bình quân 6.000 đồng/kg, nông dân lãi tới 50%, đây là năm thành công của xuất khẩu gạo. Điều đáng chú ý là lượng gạo chất lượng cao đã tăng vọt, gạo thơm đạt 472.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2010. Tuy nhiên bước sang năm 2012, xuất khẩu gạo đứng trước nhiều khó khăn, lượng hợp đồng gối đầu sang năm mới đạt 850.000 tấn, không thấp hơn so với mọi năm, nhưng thời gian giao hàng trả dài sang các quý chứ không tập trung vào quý I như các năm.

Trong khi đó, những thị trường trọng điểm như Indonesia, Bangladesh… chưa ký được hợp đồng mới. Mặt khác, các doanh nghiệp đối diện với khó khăn từ các nước xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp. Thị trường tiêu thụ loại gạo này chủ yếu là châu Á và châu Phi, chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Với mức giá rẻ từ gạo Ấn Độ và Pakistan hiện nay, gạo Việt Nam có thể mất 20% thị phần tại thị trường châu Phi.

Phân tích sâu về tình hình khó khăn này, ông Phạm Văn Bảy- Phó Chủ tịch VFA dự báo, 6 tháng đầu năm 2012, Ấn Độ tích cực cạnh tranh bán ra với giá thấp để giải quyết hàng tồn kho lớn (60 triệu tấn nông sản các loại, trong đó có đến 26,3 triệu tấn gạo và đang xuất gạo chưa có dấu hiệu dừng lại) ở nước này. Myanmar cũng tuyên bố đẩy mạnh xuất khẩu gạo giá thấp trong năm 2012 này. Trong khi đó, gạo Thái Lan xuất khẩu giảm do thiếu cạnh tranh, nên lượng gạo tồn kho lớn trong năm qua và năm nay, nước này sẽ phải đẩy hàng tồn ra bán. Do vậy, Việt Nam cũng xuất khẩu chậm, kéo lượng hàng tồn kho tăng đáng kể.

Hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Á chiếm 67%, châu Phi chiếm 23%. Qua theo dõi tình hình xuất khẩu gạo hàng năm cho thấy, vào thời điểm đầu năm mới, Việt Nam thường đã có hợp đồng lớn với Indonesia, Bangladesh, nhưng đến nay thông tin từ VFA cho biết vẫn chưa có hợp đồng lớn nào được ký. Do vậy, lượng hàng giao trong quý 1/2012 được ký mới có 1,1 triệu tấn, trong khi cùng thời điểm này vào năm 2011 là 1,8 triệu tấn.

Trước dự báo thị trường khó khăn như vậy, ông Trương Thanh Phong cảnh báo, gạo cấp thấp năm 2012 nếu tăng lên sẽ khó tiêu thụ, vì không thể nào cạnh tranh với giá gạo cấp thấp của nhiều nước có thế mạnh. Trong năm vừa qua, xuất khẩu gạo cấp thấp đã bị giảm 61%, trong khi gạo chất lượng loại 5% tấm tăng gần 20% và gạo thơm tăng hơn 100%. Đây là xu hướng rất phù hợp và cần phát huy trong năm 2012.

Mua tạm trữ sớm và thống nhất giá bán

Từ những thực tế khó khăn đang phải đối mặt, ông Lê Việt Hải- Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Mekong (Cần Thơ) cho biết, giao dịch thị trường xuất khẩu gạo trong thời điểm này trầm lắng. Lúc này, nếu doanh nghiệp có hạ giá bán xuống 400 USD/tấn cũng không có ai mua, vì vậy đã kéo giá lúa gạo trong nước giảm mạnh. Lúc này, Hiệp hội cần đề xuất Chính phủ cho áp dụng biện pháp tạm trữ sớm để giá lúa không giảm xuống, làm ảnh hưởng đến nông dân.

Theo ông Lâm Anh Tuấn- Giám đốc Công ty Thịnh Phát, thời gian trước đây khoảng một tháng giá lúa tăng hơn 1.000 đồng/kg, tuy nhiên gần đây giá gạo rớt trên 2.000 đồng/kg. Trước đây giá lúa trên 7.500 đồng nay giảm còn 5.800 đồng. Trước tình hình khó khăn này, ông Tuấn cho rằng các doanh nghiệp phải hết sức bình tĩnh, thận trọng, căn cứ tình hình nhu cầu thực tế, chứ không nên bán đổ bán tháo, phải theo điều hành chung của Tổ điều hành xuất khẩu gạo, thống nhất giá sàn và thị trường, tránh tình trạng vì lợi ích cục bộ của vài cá nhân làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung của các doanh nghiệp và nông dân.

Đồng tình với doanh nghiệp trong việc phải thống nhất giá bán, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Bộ Công thương sẽ xử lý thích đáng các doanh nghiệp đăng ký giá xuất khẩu một đàng bán một nẻo, kiên quyết không để giá xuất khẩu xuống thấp do các doanh nghiệp đẩy giá xuống không có lợi cho nông dân. Ngoài ra, Bộ khuyến khích các doanh nghiệp khai thác thị trường thương mại, không nên quá phụ thuộc vào thị trường tập trung.

Trước những đề xuất của doanh nghiệp, đại diện VFA cho biết: Hiệp hội cũng đã có kế hoạch với hai phương án để tiến hành thu mua lúa gạo tạm trữ nếu giá lúa trong nước xuống thấp. Trường hợp tiêu thụ lúa gạo chậm, giá lúa có giảm nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân, hiệp hội sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên can thiệp ngay bằng cách tiến hành thu mua lúa gạo tạm trữ, để giá lúa không xuống dưới 5.000 đồng/kg.

Nếu giá lúa có biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận nông dân, VFA sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về chính sách để doanh nghiệp tham gia thu mua lúa gạo tạm trữ. Hiện nay Bộ Tài chính tính giá thành bình quân sản xuất lúa của nông dân có tính cả yếu tố trượt giá (9%), thì giá thành 1 kg lúa gần 4.400 đồng, nông dân sẽ có lãi 30%.

Nhiệm vụ đặt ra trước mắt VFA trong lúc này là cố gắng giữ những thị trường truyền thống, đặc biệt là Philippines. Để “lấp chỗ trống” thị phần thị trường châu Phi, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất gạo phẩm cấp cao, gạo thơm sang khu vực Tây Phi, Trung Quốc cùng một số nước châu Á…VFA cho rằng gạo thơm Việt Nam đang có cơ hội chiếm lĩnh thị trường, đồng thời loại gạo 4-5% tấm đang có lợi thế cạnh tranh nhất do chất lượng tốt, lại có mức giá rẻ hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại từ Thái Lan…

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.