Dự án trồng rừng tại Ia Pa: Cơ hội để nông dân thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án trồng rừng là cơ hội tốt để nông dân thoát nghèo. Ảnh: A.K
Dự án trồng rừng là cơ hội tốt để nông dân thoát nghèo. Ảnh: A.K
Sau 2 năm triển khai, dự án FLITCH (trồng rừng từ nguồn vốn Chính phủ vay Ngân hàng châu Á-ADB) tại 2 xã Ia Tul và Ia Kdăm, huyện Ia Pa đã phủ xanh hàng trăm ha đất trống, đồi trọc. 
Dự án FLITCH tại huyện Ia Pa được triển khai từ năm 2006 nhằm hỗ trợ cho người dân các địa phương vùng sâu, vùng khó khăn trồng rừng, ổn định kinh tế, thoát nghèo, gồm 4 mục tiêu chính là trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng vừa và nhỏ, quỹ phát triển xã cho các hộ dân vay vốn phát triển kinh tế ngắn và trung hạn, nâng cao năng lực sản xuất của nông dân thông qua tập huấn và đào tạo. Tuy nhiên, dự án đến năm 2009 mới chính thức thực hiện. Trong hai năm (2009 và 2010) đã có 80 hộ dân đăng ký tham gia trồng gần 100 ha rừng. Trung bình mỗi hộ đăng ký trồng hơn 1 ha. Điều kiện bắt buộc là người dân đăng ký tham gia dự án phải có hộ khẩu và đất tại 2 xã trên mới nhận hỗ trợ để trồng rừng. Nhưng mỗi hộ chỉ được đăng ký trên 5 sào đến dưới 5 ha.
Hầu hết diện tích đất trồng rừng tại Ia Tul và Ia Kdăm là đất hoang hóa, bạc màu ven các cánh rừng, đồi không thể sản xuất được. Bà Rơcom H’Uếh cho biết: “Dự án trồng rừng là cơ hội tốt cho nông dân thoát cảnh nghèo khó. Vùng đất đồi này từ bao đời không thể trồng được cây gì nhưng rất thích hợp với cây bạch đàn. Mới trồng chưa được 2 năm nhưng cây phát triển rất tốt cao hơn 5 mét”. Từ sự nhanh nhạy và quyết đoán giờ đây bà đã có trong tay 5 ha rừng bạch đàn, keo. “Vợ chồng tôi già rồi nhưng vẫn phải làm để con cái, bà con dân làng học hỏi mà biết cách làm ăn. Được Nhà nước hỗ trợ mà không chịu làm thì suốt đời chỉ sống trong nghèo khó”-bà cho biết thêm.
Theo dự án, hộ nông dân đăng ký được hỗ trợ tiền công trồng, chăm sóc, phân bón, cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, thuốc bảo vệ thực vật. Ông Rơ Ma Piên nhìn vườn cây vươn lên hàng ngày mà không giấu được niềm vui: “Đất đai thì nhiều nhưng xấu không thể canh tác bỏ hoang hóa nhiều năm. Nhờ có dự án hỗ trợ nên tôi đăng ký trồng thử nghiệm gần 1,5 ha. Không ngờ cây bạch đàn lại phù hợp với đất nên phát triển rất nhanh. Chẳng mấy chốc từ gò đồi bạc trắng đất cát giờ trở thành cánh rừng cây xanh ngút ngàn. Năm tới tôi sẽ tiếp tục đăng ký trồng”.
Theo tính toán của bà con nông dân, mỗi hộ đăng ký trồng 1 ha với mật độ 1.666 cây. Sau 6 năm trồng và chăm sóc, tính theo giá sản phẩm hiện nay cho thu nhập từ 80 triệu đồng đến 90 triệu đồng, còn trồng nhiều thu về tiền tỷ. Đối với một số hộ dân đăng ký trồng rừng theo phương thức nông lâm kết hợp mật độ 833 cây/ha thì trong khoảng từ 2 đến 3 năm đầu tiên cây còn nhỏ đất được làm cỏ, bón phân nên có thể tận dụng để trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, đỗ các loại. Nông dân có thêm nguồn thu nhập trong thời gian cây chưa cho khai thác. Ông Rơcom Grem-Chủ tịch UBND xã Ia Tul tin tưởng: Dự án sẽ là cơ hội tốt để nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo. Nông dân không bỏ tiền đầu tư mà được hỗ trợ hoàn toàn, trồng rừng không bỏ công chăm sóc nhiều, phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương.
Mặc dù quỹ đất trồng cây theo dự án còn nhiều nhưng các hộ dân trên địa bàn 2 xã đăng ký để dự án hỗ trợ còn hạn chế. Ông Phạm Văn Nhân-Phó Giám đốc dự án FLITCH cho biết: Dự án triển khai đã tận dụng được các nguồn quỹ đất thoái hóa bạc màu không thể sản xuất được để trồng cây. Dự án sẽ kết thúc vào năm 2013 nhưng hiện tại số hộ đăng ký trồng rừng rất ít. Kế hoạch lớn nhưng thực tế nông dân đăng ký trồng rừng thấp không đạt kết quả như mong đợi. Dự án không hạn chế hộ đăng ký miễn sao có đủ điều kiện. Công tác tuyên truyền khuyến khích người dân đăng ký để được hưởng các khoản đầu tư của dự án là cần thiết trong khoảng thời gian còn lại.
Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.