Gia Lai: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2010, công tác đầu tư-xây dựng cơ bản (ĐT-XDCB) của Gia Lai theo kế hoạch có tổng cộng 1.701 dự án, bố trí tổng vốn 1.515,549 tỷ đồng thuộc 3 nguồn: Nguồn ngân sách tỉnh, nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn ngân sách huyện, thị xã, thành phố (ngân sách huyện). Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh có 812 dự án với số vốn 1.151,697 tỷ đồng; nguồn trái phiếu Chính phủ có 297 dự án với số vốn 433,277 tỷ đồng và nguồn ngân sách huyện có 657 dự án với số vốn 372, 454 tỷ đồng.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các địa phương, các ban quản lý, chủ đầu tư đã tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác ĐT-XDCB và chỉ đạo triển khai các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn nên kết quả đạt được khá khả quan. Đến ngày 7-12-2010, kết quả giải ngân thực hiện 1.110,5 tỷ đồng/1.515 tỷ đồng đạt 73,3% và tăng so với cùng kỳ năm trước 143%, đạt 82,30% về kế hoạch dự án.
Khẩn trương thi công các công trình. Ảnh: Nguyễn Giác
Khẩn trương thi công các công trình. Ảnh: Nguyễn Giác
Cụ thể, đối với nguồn vốn ĐT-XDCB thuộc ngân sách tỉnh đến thời điểm nói trên đã thực hiện 426,5/718,42 tỷ đồng đạt 62,16% so với kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ địa phương quản lý: Thực hiện 208,85/433,3 tỷ đồng đạt 48,2% so với kế hoạch; vốn chương trình mục tiêu: Thực hiện 205,06/363,85 tỷ đồng đạt 56,4% so với kế hoạch; vốn ngân sách huyện, thị xã, thành phố: Thực hiện 205,1/372,45 tỷ đồng đạt 67,15% kế hoạch.
Theo phân tích của ông Trương Đăng Phước- Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh: So với nhiều năm, cơ chế mới cho ứng trước vốn để thực hiện công tác ĐT-XDCB đã giải quyết căn bản tình trạng chậm chạp trong tiến độ thực hiện các dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch ĐT-XDCB năm 2010 vẫn còn vướng mắc đã từng xuất hiện trong thời gian trước đây. Về lý do khách quan, có thể thấy năm 2010 tình hình kinh tế đất nước, kinh tế tỉnh nhà còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, giá cả vật tư nguyên liệu có nhiều biến động theo chiều hướng tăng lên làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính nay lại thêm sự biến động bất lợi của thị trường vật liệu xây dựng nên cũng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh giá. Năm nay cũng là năm thời tiết diễn biến bất lợi, mưa nhiều và kéo dài khiến cho tiến độ thi công các dự án, công trình chậm lại.
Về nguyên nhân khách quan, năm nay có 154 dự án khởi công mới được bố trí vốn, trong đó có 96 dự án được phê duyệt quyết định đầu tư sau ngày 30-10-2009 (chiếm 62% so với dự án khởi công mới), 6 dự án chưa có quyết định đầu tư, 16 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, 38 dự án phải điều chỉnh kế hoạch đấu thầu. Đến nay còn 6 dự án, công trình chưa đăng ký nhận vốn với Kho bạc. Bên cạnh đó, việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho một số dự án chưa sát với thực tế cũng khiến cho quá trình triển khai thực hiện không được thuận lợi, vì phải cân nhắc, tính toán... 
Đến thời điểm này Trung ương chưa có chỉ đạo cụ thể về thời hạn thanh toán vốn đầu tư theo kế hoạch năm 2010. Như vậy theo Thông tư 108, thời gian chốt khối lượng các công trình, dự án là 31-12-2010, thời hạn Kho bạc nhận hồ sơ thanh toán ngày cuối cùng là 25-1-2011 và thời hạn thanh toán khối lượng là 31-12-2011.
Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch XDCB năm 2010, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chủ động rà soát các dự án, công trình, đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn đối với các công trình đã triển khai thực hiện không hết kế hoạch vốn trong năm. Đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương tổng hợp khối lượng để thanh toán kịp thời, tránh tình trạng dồn về cuối năm, gây áp lực quá tải trong khâu kiểm soát, thanh toán vốn của Kho bạc Nhà nước và kiên quyết xử lý đối với các hợp đồng trễ thời hạn. Đối với kế hoạch đầu tư năm 2011, UBND tỉnh kiên quyết không phân bổ kế hoạch vốn đối với các công trình chưa hoàn thiện hồ sơ. Có giải quyết dứt điểm những tồn tại này, công tác ĐT-XDCB năm 2011 mới đảm bảo hoàn thành kế hoạch.
Thất Sơn
       

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.