Tây Nguyên đối diện với lũ bão, hạn hán khó lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Diễn đàn nhận định khí hậu mùa cấp địa phương (thuộc chương trình hợp tác trong cảnh báo sớm đa thiên tai) do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Phòng-chống Thiên tai châu Á tổ chức tại TP. Pleiku (Gia Lai) mới đây là dịp để người làm ra bản tin dự báo thời tiết và người sử dụng sản phẩm 5 tỉnh Tây Nguyên có tiếng nói chung.
Theo báo cáo, Tây Nguyên được xác định là khu vực bị tác động mạnh mẽ của sự biến đổi khí hậu toàn cầu nên thời tiết, thủy văn diễn biến ngày một phức tạp, hạn hán, lũ lụt ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong 10 năm gần đây, thời tiết khí hậu cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ tăng. Điều lo ngại hơn là tác động diễn biến thời tiết khí hậu cực đoan nên dự báo khí hậu, thời tiết năm 2010, đầu năm 2011 rất khó lường.
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Theo dự báo, tháng 11 và 12-2010, thời tiết khu vực Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của rìa phía Nam lưỡi cao lạnh lục địa kết hợp hoạt động của đới gió mùa Đông Bắc nên lượng mưa phân bổ không đồng đều. Cũng chịu tác động thời tiết trên, nhưng trong tháng 1 và 2-2011, hoạt động của đới gió mùa Đông Bắc ổn định với cường độ mạnh, nhiệt độ thấp nhất có ngày xuống 11 độ C, lượng mưa không đáng kể. Đến tháng 3 và 4-2011-thời điểm chuyển mùa có sự tranh chấp giữa hai khí đoàn phía Bắc và phía Nam nên nhiều khả năng xảy ra gió lốc, mưa đá. Nhiệt độ thời gian này phổ biến ở mức cao, cá biệt vùng thung lũng thấp nhiệt độ tăng đến 37 độ C...
Từ cơ sở phân tích các thông tin dự báo trên, cơ quan chuyên môn nhận định năm 2010 đến đầu năm 2011, các điều kiện khí quyển và đại dương tiếp tục phát triển theo hướng nghiêng về phía pha lạnh (La Nina) kết hợp với sự biến đổi khí hậu toàn cầu nên thời tiết khu vực Tây Nguyên diễn biến khó lường; đặc biệt là tình trạng khô hạn kéo dài hết sức khốc liệt đe dọa cây trồng vụ Đông Xuân 2010-2011. Để cải tiến ngôn ngữ bản tin, dự báo thời tiết, cơ quan chuyên môn cần cụ thể hóa thông số lượng mưa đưa ra nhiều hay ít, thời gian mưa kéo dài bao lâu để nông dân hiểu và vận dụng có hiệu quả vào sản xuất mùa vụ. Thông số dự báo đỉnh lũ, sức gió cũng nên “mã hóa thuật ngữ” khí tượng thủy văn bằng ngôn ngữ dễ hiểu để bản tin đến được với đại bộ phận nhân dân. Ông Trần Văn Vượng- Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cà phê tỉnh cho rằng: Việc tập hợp nguồn tin đầu vào để phân tích đưa ra bản tin thời tiết cần cụ thể hơn, chi tiết hơn cho từng vùng, từng loại cây trồng, giúp người tiếp nhận chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.
Nhận định chung của các đại biểu tham dự diễn đàn là việc đầu tư hệ thống cảnh báo lũ-hạn hiện nay chưa đồng bộ. Hiện tại, đã có mô hình dự báo lũ lưu vực sông Pô Cô, Đak Bla, sông Ba; chương trình dự báo nguy cơ ngập lụt lưu vực sông Ba và một số lưu vực sông tại tỉnh Đak Lak, Lâm Đồng…, song chưa có mô hình dự báo hạn hán cụ thể cho từng khu vực trên địa bàn Tây Nguyên.
Ông Tạ Đăng Hoàng- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên khẳng định: Viện Nghiên cứu Khí tượng Thủy văn đang có công nghệ phân vùng hạn. Để chuyển giao công nghệ thu dữ liệu đầu vào phân vùng khô hạn, xây dựng bản đồ cảnh báo khô hạn cho từng tỉnh, cơ quan chuyên môn cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhất là kinh phí thực hiện. Ông Hoàng thừa nhận hiện tại rất khó đáp ứng yêu cầu xây dựng bản tin dự báo thời tiết cụ thể từng vùng theo nhu cầu của người sử dụng bản tin. Lý do, mật độ các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn Tây Nguyên hiện có quá ít, công nghệ lạc hậu… làm cho độ chính xác của bản tin dự báo thời tiết chưa cao.
Quang Văn

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.