Hiệu quả từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiệu quả từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ảnh 1
 
Cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… hội viên nông dân Gia Lai đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng của mình trong đời sống xã hội.

Phong trào thoát nghèo bền vững
Ông Đỗ Văn Luân- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói: Phong trào sản xuất-kinh doanh giỏi luôn được các cấp Hội phát động thường xuyên, rộng khắp và số hộ đăng ký phấn đấu đạt ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngày nay, người dân không chỉ dừng lại ở cây lúa nước mà đã tìm hướng đi mới ở các cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và hoa màu (rau sạch, cây cảnh, dưa hấu, ớt…). Không còn phá rừng làm nương rẫy, người dân chuyển sang chăm sóc, bảo vệ và hình thành mô hình vườn-rừng, nông-lâm kết hợp với quy mô vừa và nhỏ. Hơn nữa, phần lớn hội viên đã sử dụng hiệu quả diện tích đất theo hướng thâm canh tăng vụ, năng suất tăng gấp 4-5 lần so với trước đây.
Đặc biệt, mỗi năm phong trào sản xuất-kinh doanh giỏi giúp từ 7.000 đến 9.000 hội viên nông dân thoát nghèo và giải quyết việc làm cho 18.000 đến 20.000 người, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo toàn tỉnh. Kết quả trên như một sự khẳng định hiệu quả từ các lớp tập huấn, các câu lạc bộ khuyến nông-lâm cơ sở, công tác tạo vốn và tín chấp cho nông dân vay vốn, mua phân bón trả chậm… do các cấp Hội triển khai. Đến thời điểm hiện tại, hội viên nông dân đã được tiếp cận với nhiều nguồn vốn khác nhau như: Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, vốn vay ủy thác hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Ngoài ra, Hội còn triển khai các dự án hướng dẫn người nghèo, người dân tộc thiểu số cách làm ăn; dự án vay vốn từ quỹ quốc gia; dự án ứng dụng internet và liên hệ với các doanh nghiệp, nhà máy tín chấp cho trên 5.000 hộ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm…
36.022 hộ đạt danh hiệu sản xuất-kinh doanh giỏi
Cùng với việc giúp đỡ về vốn, khoa học kỹ thuật, hội viên nông dân còn giúp đỡ nhau ngày công lao động, cho vay tiền không tính lãi, mượn cây con giống các loại và nhiều nghĩa cử cao đẹp khác… Từ đó số hộ vươn lên làm ăn khá giả ngày càng tăng, tỷ lệ hộ đói nghèo trong hội viên giảm hẳn. Nhiều hộ có thu nhập từ 30 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình bà Lê Thị Thuyết (xã Ia Nan-huyện Đức Cơ) thu nhập hàng năm gần 200 triệu đồng từ mô hình trồng cây công nghiệp và cây ăn trái; gia đình ông Đàm Văn Việt (thị trấn Phú Túc- huyện Krông Pa) với mô hình V-A-C-R, mỗi năm trừ chi phí đi còn cho thu nhập trên 100 triệu đồng… Ông Nguyễn Trường Thành- thị xã An Khê chia sẻ: Cách đây 3 năm gia đình tôi còn sản xuất theo phương thức truyền thống nên thu nhập và sản lượng chỉ đạt 50% so với hiện tại. Còn hiện nay, gia đình đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập hàng năm gần 300 triệu đồng từ 7 ha mía, 2 ha cây keo và bạch đàn, 1 ha măng tre Điền Trúc, cây ăn trái, hoa thương phẩm…
Ông Luân khẳng định: Phong trào nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi những năm qua phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nông dân đã làm chủ đất đai, vươn lên làm giàu chính đáng và đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo. 9 tháng qua, toàn tỉnh có 48.482 hộ đăng ký phấn đấu đạt gia đình sản xuất- kinh doanh giỏi, tăng so với năm 2009: 10.820 hộ; qua sơ kết đã có 36.022 hộ đạt danh hiệu này.
 
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.