Chặn dòng thủy điện Đak Srông 2A: Người dân khốn đốn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công trình thủy điện Đak Srông 2A của tập đoàn HA.GL được khởi công xây dựng ngày 22-6-2006, gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp máy 18MW và được chặn dòng trong tháng 9-2010. Ngay sau khi tích đủ nước, công trình đã làm hệ thống ngầm trên sông Đak Pơ Kơ và gần 20 ha hoa màu của người dân chìm trong nước.
Cầu Đak Pơ Kơ (huyện Kông Chro, Gia Lai) do Sở Giao thông- Vận tải làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2002 với trọng tải thiết kế 13 tấn, nối liền thị trấn Kông Chro và các xã Đak Kơ Ning, Sơ Ró. Cơn bão số 9 và 11 năm 2009 đã làm mố cầu bị hư hỏng nặng. Để đảm bảo giao thông đi lại và vận chuyển nông sản của người dân các xã, đồng thời giảm tải cho cầu Đak Pơ Kơ sau khi được sửa chữa, huyện Kông Chro đã lập đề án xin hỗ trợ xây dựng ngầm trên sông Đak Pơ Kơ với tổng kinh phí 295 triệu đồng (Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ 225 triệu đồng, 70 triệu đồng do doanh nghiệp đóng góp). Sau khi xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 1-2010, thì 1 tuần trở lại đây, khi công trình thủy điện Đak Srông 2A tiến hành chặn dòng tích nước đã làm hệ thống ngầm bị chìm sâu hơn 1 mét, khiến việc vận chuyển nông sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Những hộ dân ven sông bị ngập nước. Ảnh: Lê Anh
Những hộ dân ven sông bị ngập nước. Ảnh: Lê Anh
Ông Mai Xuân Long ở làng Sơ Ró, xã Sơ Ró bức xúc: “Người dân các xã ở Đak Kơ Ning và Sơ Ró chúng tôi gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, vì hiện nay cầu Đak Pơ Kơ chỉ cho phép các xe có trọng tải nhỏ lưu thông. Muốn bán nông sản, chúng tôi phải “tăng bo” nhiều lần nên chi phí cao, còn bán tại chỗ thì giá thấp vì người mua cũng tính đến tiền vận chuyển. Chúng tôi tha thiết đề nghị huyện, tỉnh nhanh chóng có biện pháp khắc phục để nông dân không phải chịu cảnh khốn khổ thế này…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống ngầm này nằm ngoài thiết kế của công trình thủy điện Đak Srông 2A, vì theo tính toán ban đầu, khi chặn dòng thì cầu Đak Pơ Kơ vẫn đảm bảo lưu thông giữa các khu vực. Hậu quả do bão lụt gây ra không thể lường trước. Việc xây dựng ngầm của huyện cũng chỉ là giải pháp tạm thời giúp việc vận chuyển hàng hóa cho người dân các xã được thuận lợi. Ông Trần Biểu- Chánh Văn phòng UBND huyện Kông Chro cho biết: “Hiện nay, chúng tôi cũng đang tìm giải pháp để khắc phục, đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa cho người dân. Công trình này được xây dựng chỉ để khắc phục hậu quả sau bão”.
Hiện nay đã có một số ý kiến xin nâng ngầm, nhưng việc này khó có thể thực hiện, vì tốn nhiều kinh phí, khó đảm bảo chất lượng cũng như quá trình thi công, chưa kể khi xảy ra sự cố, chắc chắn cầu Đak Pơ Kơ cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Giải pháp xây dựng cây cầu mới, với trọng tải lớn hơn thì nằm ngoài tầm tay của huyện. Để đảm bảo an toàn, hiện nay lực lượng Công an huyện phải đóng chốt, kiểm tra trọng tải xe qua lại trên cầu.
Cũng từ khi thủy điện Đak Srông 2A chặn dòng, gần 20 ha đất đai, hoa màu của nhân dân các xã Ya Ma, Yang Nam và Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) bị chìm trong nước. Diện tích bị ngập này không nằm trong diện đền bù, giải tỏa nên làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Chúng tôi được biết, Ban Quản lý Thủy điện đã đi khảo sát, tính toán để đền bù cho người dân, nhưng đến bao giờ việc này được giải quyết thì… chưa có câu trả lời.
Qua đây, cho thấy mặt trái của việc xây dựng các công trình thủy điện. Hậu quả là mùa khô dân thiếu nước sản xuất, mùa mưa dân phải sống trong âu lo. Tiến hành xây dựng các công trình lớn, cần có những tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích của người dân…   
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.