Lâm sản phụ: Tận thu cần đi đôi với tái sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rừng ở Kbang, Gia Lai có nhiều loại gỗ quý hiếm như trắc, hương, cà te, huỳnh đàn; các loại thảm thực vật đa dạng phong phú khác và nhiều chim thú quý hiếm, được mệnh danh là khu rừng giàu nhất vùng Tây Nguyên. Đây là lá phổi thiên nhiên quý để điều hòa môi trường. Cùng với đó, người dân Kbang sống gần rừng cũng đang được hưởng lợi từ công chăm sóc, bảo vệ và thu lượm lâm sản phụ từ rừng cải thiện đời sống.
Mùa nào thứ nấy. Những lúc nông nhàn hay mùa vụ, người dân sống gần rừng thường vào rừng lấy mật ong, sa nhân, quả xoay, quả trám, song mây… Riêng năm nay, thị trường “ăn” thêm quả dổi. Tại thời điểm này, dổi loại quả to có giá 7.000 đồng/kg, loại nhỏ giá 50.000 đồng, tuy nhiên, loại này có số lượng ít. Thường cứ sáng đi, chiều về, ngày gặp cây có nhiều quả, chăm chỉ hái cũng thu nhập khá, đầu mùa có người hái một ngày cả tạ quả. Cây dổi nhiều, song không phải cây nào cũng có quả, nên thời điểm này đang là chính vụ phải tranh thủ đi hái. Ông Đinh Thanh- làng Chiêng, thị trấn Kbang, cho biết: Bà con tranh thủ kiếm quả dổi bán, cây to khó leo trèo. Nếu gặp cây nhiều quả cũng thu được 200.000- 300.000 ngàn đồng/ngày.
Cơ sở chế biến hạt dổi ở tổ 8, Kbang. Ảnh: N.H
Cơ sở chế biến hạt dổi ở tổ 8, Kbang. Ảnh: N.H
Quả dổi sau khi hái về, được bóc bỏ vỏ, lấy hạt, với tỷ lệ khoảng 30 kg quả mới được 1 kg hạt tươi, tương đương với giá hơn 200.000 đồng với dổi quả to và khoảng 1.500.000 đồng/kg hạt loại quả nhỏ. Hạt dổi màu đỏ tươi, có hương thơm quyến rũ. Có điều, kể cả thương lái cũng không biết loại này người ta mua về để làm gì và chính xác là đưa về đâu, nhưng hiện nay có bao nhiêu hàng cũng tiêu thụ được. Ông Nguyễn Hồng Thái- cơ sở thu mua ở tổ 8, thị trấn Kbang, cho biết: Quả dổi từ xưa đến giờ họ không mua, mới năm nay thấy người ta mua, không biết mua để làm gì nhưng họ đặt hàng mình cứ làm. Mua lại của dân bóc lấy hạt bán lại cho họ.
Lâm sản phụ ở rừng Kbang vô cùng phong phú. Riêng ở vùng rừng thuộc địa bàn xã Đak Krong, quanh năm đồng bào đi tìm hái loại cây gọi là lan đất hay còn gọi là cây kim tuyến. Loại cây này đã được người ta mua đến trên 15 năm nay. Lan đất thường sống ở nơi ẩm ướt, bò dưới đất, giống một loại rau húng, lá có lông, màu hơi tím, gân màu ánh kim. Cây lan đất được nhổ cả rễ, rửa sạch đưa về bán. Giá bán hiện nay khoảng 600 ngàn đồng/kg tươi. Do vùng Đak Krong mùa này mưa nhiều, nên có hộ đang dự định xây lò sấy nhỏ, để khi mưa nhiều, chưa kịp nhập hàng có thể sấy. Giá bán một kg khô khoảng 8 triệu đồng.
Lại có vùng rừng có nấm cổ cò hay còn gọi là nấm le, vì nó mọc trên cây le khô. Giá bán hiện nay 70 ngàn đồng đến 80 ngàn đồng/kg. Theo nhiều người thì loại này được chuộng hơn nấm linh chi, nấm da trâu. Rồi sa nhân, trúc lan, cỏ xước, dây nho rừng, hương bài, ba kích, sâm đá, bum xì ke vẫn được thương lái mua. Bí kỳ nam, một loại sống như tầm gửi, nó lớn dần và được một loại kiến sống bên trong, coi như là tổ. Nhiều người vẫn tìm mua và nghe nói là một loại thuốc giải độc, mát gan. Những thứ này được sơ chế phơi khô và nhập theo đơn đặt hàng.
Có lâm sản phụ, người dân sống gần rừng có thêm thu nhập, càng gắn trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng, giảm tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết quy trình để tận thu lâm sản phụ: Sau khi được phép các đơn vị chủ rừng và xã cho phép khai thác lâm sản phụ, Kiểm lâm phối hợp với đơn vị chủ rừng, UBND xã tiến hành họp dân tuyên truyền vận động nhân dân khi vào rừng khai thác không được chặt phá cây rừng bừa bãi, không được hạ đổ cây rừng; không được đem lửa vào rừng gây cháy rừng và không tranh giành gây mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân sống gần rừng.
Do được phát triển tự nhiên, nên các loại lâm sản phụ về số lượng không nhiều, Nhà nước cũng không thể khai thác tập trung. Vì vậy, việc để dân khai thác, tận thu là cần thiết, có những loại không tận thu kịp thời như các loại quả thì cũng rơi rụng, gây lãng phí. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, Nhà nước cần có biện pháp quản lý để các loại lâm sản phụ này tiếp tục được phát triển, duy trì nguồn gien. Hàng cao giá, có những loại bị khai thác triệt để đến mất giống. Gần 20 năm về trước, cây hoàng đằng bị đào cả rễ, đến nay vào rừng tìm là hơi khó, làm gì còn những thân hoàng đằng to bằng bắp đùi như xưa. Một số loại quả ở cây cao, nên có biện pháp khai thác để không bị chặt cành hàng loạt, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của rừng.
Như Hướng

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.