Khu vực Tây Nguyên: Phía sau các công trình thủy điện...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên được coi là trung tâm thủy điện lớn nhất cả nước. Trên các hệ thống sông chính của 5 tỉnh trong khu vực đã có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành, 360 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang được quy hoạch và xây dựng. Sau khi đi vào hoạt động, các nhà máy có tổng công suất 4.500 MW. Tuy nhiên, việc phát triển các nhà máy thủy điện một cách ồ ạt, chưa được tính toán chặt chẽ đã gây ra những tác động tiêu cực đến vấn đề môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Công trình thủy điện Plei Krông (tỉnh Kon Tum) được khởi công vào ngày 23-1-2003, có 2 tổ máy với công suất lắp đặt 100 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 417,2 triệu kWh. Thủy điện Plei Krông sau khi hoàn thành vào đầu năm 2010 đã làm cho trên 4.000 ha đất sản xuất và đất ở bị ngập, gần 1.400 hộ với trên 6.000 người buộc phải di dời. Theo Ban Quản lý dự án Thủy điện 4, thời gian qua, Ban Quản lý đã có nhiều cố gắng trong công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các hạng mục thiết yếu để đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân vùng tái định cư. Tuy nhiên, đến nay việc bố trí tái định canh, định cư cho người dân vùng lòng hồ vẫn còn quá nhiều điều phải bàn.
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy còn tới 93 hộ dân chưa có đất sản xuất. Chỉ vì đất sản xuất được bố trí ở một nơi quá xấu, không thể canh tác hoặc một số hộ đã nhận đất nhưng việc tranh chấp đất với người dân trong vùng khiến cho họ không thể sản xuất được. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và chính quyền các cấp đã không tính đến quỹ đất phục vụ lâu dài cho việc tách hộ, dẫn đến việc phát sinh nhu cầu đất ở và đất sản xuất. Chính những thiếu sót này đã khiến cho hơn 120 hộ dân mới được chia tách do xây dựng gia đình đã không được bố trí đất sản xuất. Và khi đập nước thủy điện nâng mực nước lên cao trình 570 mét thì có tới 150 hộ dân mất đất sản xuất. Chưa hết, việc bố trí đất khai hoang làm lúa nước ở một nơi địa thế quá cao, khiến cho việc canh tác của người dân năm được, năm mất. Điển hình, trong tổng số 51 ha được chia cho 651 hộ dân thì chỉ có 33 ha được đưa vào canh tác 2 vụ, số diện tích còn lại không thể canh tác nổi chỉ vì không có nước để tưới…
Còn tại công trình thủy điện Đồng Nai 3 sau một thời gian dài đo đếm, quy hoạch, năm 1991, hơn 500 hộ với khoảng 5.000 nhân khẩu ở xã Đak P’Lao, huyện Đak Glong (tỉnh Đak Nông) được Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 thông báo nơi đây sẽ được quy hoạch để xây dựng tránh ngập lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Là một xã đặc biệt khó khăn, hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số nhưng trong suốt gần 20 năm qua, người dân đã không được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào của Nhà nước. Điện, đường, trường, trạm… tất cả đều phải gác lại để chờ ngày về khu tái định cư mới.
Sạt lở khu tái định cư. Ảnh: Đức Trung
Sạt lở khu tái định cư. Ảnh: Đức Trung
Tuy nhiên, khi về khu tái định cư mới đời sống của người dân cũng chẳng khá hơn là bao. Theo khảo sát của UBND huyện Đak Glong thì có 80/320 căn nhà đã được xây dựng có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Bởi nó được xây dựng trên nền đất mượn, lại có độ dốc đến 40%. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù thời điểm hiện tại Đak Nông vẫn chưa phải là “tâm” của mùa mưa lũ nhưng đã có khoảng 20 căn nhà bị sạt lở, chỉ còn cách tường chưa đầy 2 mét và hàng chục căn nhà sau khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã có dấu hiệu nứt tường, bong vôi.
Để nhường chỗ cho những công trình thủy điện, tại khu vực Tây Nguyên đã có hàng ngàn người dân buộc phải di dời đi nơi khác. Những hy sinh đó phải được công nhận nhưng vì sức ép “thành tích” hay vì một lý do nào đó mà chính quyền một số địa phương đã thiếu quan tâm tới nguyện vọng của người dân.
Từ năm 1995 đến nay đã có trên 200 thôn, buôn ở khu vực Tây Nguyên bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi. Tổng số diện tích đất bị thu hồi để xây dựng thủy điện là 30.000 ha và khoảng 12.000 hộ gia đình phải di dời hoặc nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 10-9, cầu Kinh Đức nằm trên quốc lộ 28, làn đường rộng 5,5 mét nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đak Nông đã bị lấp một bên khiến giao thông trên tuyến đường này bị tê liệt hoàn toàn. Mặc dù trước đó, UBND tỉnh Đak Nông đã xin chủ trương nhưng chưa được sự đồng ý của Khu Quản lý Đường bộ V tại Đà Nẵng. Nguyên nhân, để đưa hơn 100 hộ dân đang sinh sống trong lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 di dời để tích nước, Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 đã cho xe chở đất đến lấp một bên cầu nhằm ngăn chặn người dân không thể đi về nơi ở trong phạm vi ngập của lòng hồ.
Tại công trình thủy điện An Khê- Ka Nak (Gia Lai), do Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 không làm tốt khâu đền bù, tái định cư cho người dân vùng lòng hồ nên mặc dù đã chặn dòng (ngày 13-9), song nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đến nay vẫn chưa có đầy đủ đất sản xuất. Nguy cơ thiếu đói mùa giáp hạt trong vụ Đông Xuân tới là điều thấy rõ. Điều hệ lụy là với việc không chủ động trong công tác đền bù, tái định cư của chủ đầu tư, đến nay công trình thủy điện An Khê- Ka Nak đã chậm tiến độ khoảng một năm rưỡi.
Đức Trung-  Văn Thành

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.
Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) nhằm đánh giá kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II năm 2024.