Các tỉnh Tây Nguyên phát triển cây tiêu bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các tỉnh Tây Nguyên phát triển cây tiêu bền vững ảnh 1
 
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên có trên 14.440ha tiêu, sản lượng mỗi năm đạt từ 32.255 tấn tiêu hạt trở lên, trong đó, tỉnh Gia Lai có trên 5.000ha, Đak Lak có 4.800ha, diện tích còn lại là của các tỉnh Đak Nông, Kon Tum.


Vụ tiêu năm 2010, tuy bị mất mùa do ảnh hưởng của các cơn bão mùa trước nhưng giá tiêu lại tăng cao, nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở các vùng trọng điểm tiêu của Tây Nguyên vẫn thu được từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Cây tiêu có khả năng thích ứng với nhiều vùng sinh thái ở Tây Nguyên và có nhu cầu nước tưới ít hơn nhiều lần so với cây càphê, thu hoạch vào mùa khô, nên các địa phương đã khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là các hộ gia đình đồng bào các dân tộc đầu tư phát triển cây tiêu.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc vay vốn với lãi suất thấp đầu tư phát triển cây tiêu, vận động đồng bào mở rộng diện tích trồng tiêu bằng cây trụ sống hoặc xây trụ bằng gạch cho tiêu phát triển.

Đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tuyển chọn, đưa các giống tiêu mới như giống tiêu Đất đỏ (Bà Rịa- Vũng Tàu), Lộc Ninh (Bình Phước), Phú Quốc (Kiên Giang), Tiên Sim (Gia Lai) vào trồng đại trà trên phần lớn diện tích, đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh từ khâu trồng, cắt tỉa cành đến chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản tiêu sau thu hoạch...

Đặc biệt, Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo đến bà con nông dân các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên các quy trình phòng, chống nấm, tuyến trùng, rệp sáp đối với cây tiêu, nhất là cách phòng trừ các bệnh chết nhanh, chết chậm, thối cổ rễ cho cây tiêu.

Các tỉnh Tây Nguyên đang tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng tiêu từ đó có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vốn cho bà con nông dân tập trung đầu tư thâm canh, phát triển bền vững cây tiêu.

Các tỉnh cũng đề xuất Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thường xuyên cử cán bộ về hợp tác với các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh trao đổi các thông tin có liên quan đến sản xuất, kinh doanh hồ tiêu trong, ngoài nước. Xây dựng và quảng bá thương hiệu tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng tiêu của Việt Nam, quan tâm đổi mới công nghệ sau thu hoạch đối với cây tiêu để tăng sản lượng tiêu trắng, giảm dần việc xuất khẩu tiêu đen như hiện nay .
TT

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.