Xuất khẩu cà phê: Cần sự liên kết các doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, trong niên vụ sản xuất 2008-2009, sản lượng cà phê của cả nước đạt hơn 1 triệu tấn. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, mà nổi bật là giá cà phê xuất khẩu luôn bị biến động thất thường. Theo nhận định của Hiệp hội, nhu cầu tiêu dùng cà phê của thế giới tiếp tục tăng nhưng các nhà xuất khẩu vẫn còn lo lắng do khâu dự báo giá cả thị trường của ngành cà phê nước ta còn yếu. Nhiều doanh nghiệp ở Tây Nguyên “kêu” rằng chưa bao giờ việc mua bán cà phê lại khó khăn như thời điểm hiện tại.

Dự kiến năm 2009, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,15 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 1,75 tỉ USD (tăng 14,9% sản lượng nhưng giảm 19,2% trị giá). 9 tháng năm 2009, cả nước xuất khẩu được 880.000 tấn, kim ngạch chỉ đạt 1,3 tỉ USD. Nguyên nhân giá cà phê xuất khẩu giảm (dao động ở mức 1.350-1.360 USD/tấn) do lượng cà phê xuất khẩu của các quốc gia tăng thêm khoảng 3% so với năm trước.

Thu hoạch cà phê. Ảnh: Đức Trung
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Đức Trung

Trong khi đó, ngành cà phê của nước ta vẫn chưa có chiến lược chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên chưa thể điều tiết giá cả. Việc xuất khẩu chưa có sự điều hành thống nhất, doanh nghiệp xuất khẩu ồ ạt vào đầu vụ nên không giữ được giá khiến người trồng cà phê phải chịu thiệt thòi. Với sản lượng chỉ đứng sau Brazil nhưng hiện nay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê Việt Nam vẫn không làm chủ được giá cả mà phần lớn là do các nhà nhập khẩu làm giá.

Hiện nay, hầu hết sản lượng cà phê của nước ta được bán qua khâu trung gian cho các nhà đầu cơ nước ngoài (hiện có khoảng 12 doanh nghiệp nước ngoài đang thu mua cà phê ở Việt Nam) và chỉ có lèo tèo vài doanh nghiệp trong nước tham gia giao dịch trực tiếp trên thị trường LIFFE (London- Vương quốc Anh) với số lượng vài ba lô hàng. Theo ông Đoàn Triệu Nhạn-chuyên gia Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, sở dĩ các doanh nghiệp nước ngoài có thể thao túng thị trường cà phê nước ta là do họ biết liên kết lại với nhau. Trong khi đó, Việt Nam đang có gần 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhưng chỉ có 20 doanh nghiệp tên tuổi và các doanh nghiệp này lại chưa “đồng điệu” trong việc hợp tác, xử lý thông tin và đưa ra những quyết định đúng đắn.   

Chính vì làm theo kiểu đơn lẻ mà doanh nghiệp kinh doanh cà phê, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa thể điều khiển được thị trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, tìm kiếm một giải pháp tối ưu nhằm ổn định giá cả. Đến thời điểm hiện nay, số lượng cà phê còn lại của niên vụ vừa qua chỉ còn hơn 200.000 tấn, chưa đủ để xuất theo các hợp đồng doanh nghiệp đã ký. Hầu hết số hàng này đang “mắc kẹt” ở trong dân. Giá thấp thì người dân và các đại lý nhỏ găm hàng không bán, giá cao thì doanh nghiệp mua vào sẽ thua lỗ. Đây là một nghịch lý khiến các doanh nghiệp Việt Nam lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Ông Lương Văn Tự- Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang kiến nghị Nhà nước mua tích trữ cà phê hàng năm để tránh rủi ro cho thị trường. Về phía các doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến cáo: Phải xem xét bán hàng như thế nào và bán vào thời điểm nào có lợi cho ngành cà phê Việt Nam. Các doanh nghiệp phải thẩm định kỹ đối tác, không nên bán hàng cho các đối tác là các nhà đầu cơ, tránh để họ ghìm giá. Bên cạnh đó, không nên ký hợp đồng giao hàng quá xa khi chưa có hàng thực trong tay. Cuối cùng là các doanh nghiệp trong cả nước phải liên kết  lại và thông tin về vấn đề giá cả cho nhau.

Đức Trung

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.