Phát triển cây điều ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều năm qua, hạt điều của nước ta luôn giữ vững vị trí số 1 trên thế giới về kim ngạch, sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, để có lượng điều xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu tới 50% lượng điều thô về chế biến.

Nguyên nhân trên là do sản lượng điều trong nước giảm đáng kể do diện tích giảm. Để giúp nông dân trồng điều thu lợi nhuận cao và hạn chế việc chặt bỏ cây điều chuyển sang trồng cây trồng khác, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Thủy lợi Nông Lâm nghiệp Gia Lai đã tiến hành nghiên cứu “Ứng dụng các chế phẩm tăng năng suất  điều ở 3 huyện trọng điểm trồng điều (Kông Chro, Krông Pa, Ia Grai) của tỉnh Gia Lai” nhằm góp phần xây dựng các giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững cây điều ở địa phương.

Phun chế phẩm sinh học cho cây điều. Ảnh: Hương Trà
Phun chế phẩm sinh học cho cây điều. Ảnh: Hương Trà

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, chất lượng hạt điều của Việt Nam thuộc hàng tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, tính đến tháng 10-2009, cả nước chỉ xuất khẩu 144 ngàn tấn hạt điều, trị giá 674 triệu USD giảm đáng kể. Năm 2007, sản lượng điều thô đạt 400 ngàn tấn, nhưng năm 2008 chỉ còn 350 ngàn tấn và năm 2009 dự báo sẽ thấp hơn nhiều.

Lý giải về tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù tiềm năng trồng điều của nước ta rất lớn nhưng thời gian qua, năng suất liên tục sụt giảm do giá vật tư tăng cao, chi phí đầu vào lớn, dẫn đến tình trạng người trồng điều giảm thu nhập, không có khả năng tái đầu tư. Chính điều này làm nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ bê chăm sóc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất mùa diễn ra liên tục ở hầu hết các vùng trồng điều trong cả nước nói chung và vùng trồng điều ở tỉnh ta nói riêng.

Các huyện Kông Chro, Krông Pa, Ia Grai là những vùng có diện tích cây điều khá lớn của Gia Lai, nhưng đa số được trồng từ hạt nên năng suất không cao. Khắc phục tình trạng trên, đề tài ứng dụng các chế phẩm tăng năng suất điều đã áp dụng trên vườn điều trồng từ hạt, giai đoạn kinh doanh (10-15 tuổi) với diện tích mô hình  từ 0,7 ha đến 1,5 ha, sử dụng các loại chế phẩm sinh học dùng trong nghiên cứu: ĐT-02 là chế phẩm do Công ty Điền Trang sản xuất; ĐQĐ là chế phẩm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ trên cây điều đã cho kết quả khả quan về năng suất và chất lượng hạt điều.

Sau 2 năm dùng hai loại chế phẩm ĐT-02, ĐQĐ kết hợp với các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ  tại 3 huyện (Kông Chro, Krông Pa, Ia Grai) cho thấy các công thức có phun chế phẩm đều tăng tỷ lệ hoa lưỡng tính so với đối chứng 3,2%, tăng tỷ lệ đậu quả từ 6,8% đến 7,4% và giảm sự rụng quả trung bình từ 16% đến 17%. Năng suất các công thức phun chế phẩm tăng so với đối chứng 165,2-168,5%. Công thức áp dụng các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật cũng làm tăng năng suất so với đối chứng 84,6%. Trọng lượng nhân điều ở các công thức có phun chế phẩm sinh học tăng so với đối chứng 27-28,5 %; tỷ lệ nhân tăng so với đối chứng 3,5-3,6%. Công thức dùng chế phẩm ĐT-02 và công thức dùng chế phẩm ĐQĐ cho lợi nhuận tăng thêm cao nhất trên cả 3 địa điểm nghiên cứu, biến động từ 3.733.000 đồng đến 11.792.000 đồng/ha. Công thức hỗ trợ về kỹ thuật cũng cho lợi nhuận tăng thêm từ 1.152.000 đồng đến 4.616.000 đồng/ha.

Trong bối cảnh vườn điều của nông dân đa số là trồng từ hạt năng suất không cao nên dùng chế phẩm ĐT-02 hoặc ĐQĐ để phun cho cây điều cùng với các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ để tăng năng suất và chất lượng hạt điều nhằm góp phần tăng thu nhập cho người trồng điều. Đây là những giải pháp hữu hiệu nhất để hạn chế việc chặt bỏ cây điều chuyển sang trồng cây trồng khác làm ảnh hưởng đến đời sống của nông dân vùng được quy hoạch trồng điều của tỉnh.

Hương Trà

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.