Krông Pa đang thiếu vốn và giống để sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chưa bao giờ việc sản xuất Đông Xuân của huyện Krông Pa (Gia Lai) lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Hơn 444 ha đất sản xuất bị vùi lấp hoặc bị cuốn trôi do ảnh hưởng của cơn bão lũ vừa qua, hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hại nặng nề chưa thể khắc phục, người dân thiếu giống... Cái khó đè lên cái khổ, hàng ngàn nông dân sẽ rơi vào tình cảnh thiếu đói nếu như ngay từ bây giờ các ngành, các cấp không có những chính sách hỗ trợ kịp thời.

Thiếu giống, thiếu vốn

Theo kế hoạch, vụ sản xuất Đông Xuân 2009-2010, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện là 6.450 ha (tăng 11%) so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng đến nay, toàn huyện mới chỉ gieo trồng được hơn 2.000 ha (đạt 34% so với kế hoạch). Vào thời điểm này của năm trước, từ xã Ia Rsươm về thị trấn Phú Túc đã thấy màu xanh bạt ngàn của lúa, bắp và các cây trồng khác, nhưng năm nay chỉ thấy những cánh đồng trơ trọi cát và đất-tín hiệu cho thấy những khó khăn đang hiện hữu nơi đây. Ông Trần Văn Mạnh-Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư Rcăm cho biết: Nông dân trong xã đang gặp nhiều khó khăn. Hàng chục ha đất bị cuốn trôi hoặc bị cát bồi lấp phải mất nhiều thời gian mới khai hoang sản xuất trở lại được. 

Thu hoạch lúa.
Thu hoạch lúa.

Cơn bão số 11 làm cho hầu hết diện tích cây trồng vụ mùa của huyện đang bước vào độ thu hoạch bị mất trắng. Số còn thu hoạch được do bị ngập nước lâu ngày như mì và bắp thì không thể làm giống. Một số giống dự phòng của nông dân các xã phía Nam sông Ba để trong nhà bị ngập nước cũng không thể đưa vào  sản xuất. Mặc dù huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân về giống và phân bón nhưng không thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân.

Khi gặp rủi ro, người dân cần vay vốn để khôi phục sản xuất, nhưng việc vay vốn đang gặp nhiều khó khăn. Mới đây, khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri ở xã Chư Gu, nhiều cử tri đã bày tỏ bức xúc khi Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh- Chi nhánh Krông Pa chậm giải quyết vốn cho người dân. Ông Vũ Nhật Tăng- Giám đốc Chi nhánh thừa nhận: Hiện nay rất khó để huy động vốn, mà không huy động được thì không thể cho vay. Chúng tôi cũng đang chờ chỉ đạo từ trên.

Cần những giải pháp đồng bộ

Ông Đinh Xuân Duyên- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Chúng tôi đã lường trước được những khó khăn trong vụ sản xuất Đông Xuân này. Một số cây trồng chủ lực nay vẫn chưa triển khai được; lúa chưa gieo trồng được héc-ta nào, bắp chỉ đạt 54% kế hoạch, thuốc lá gần 30%... Nguy cơ thiếu đói hoàn toàn có thể xảy ra nếu không triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp”.

UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai  kế hoạch gieo trồng đúng tiến độ. Mục tiêu là trồng các cây ngắn ngày để có sản phẩm nhằm tránh đói vào mùa giáp hạt. Một số cây trồng được các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân đưa vào gieo trồng trong vụ này là các giống ngắn ngày như: Khoai lang, rau, các giống bắp biosecd, LVN10, NK66, MX2, MX4.   

Việc cần thiết bây giờ là khai hoang đồng ruộng và sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi. Hiện nay, trạm bơm của huyện: Ia Rmok, Cầu 2 (Phú Túc) và Chư Gu đã bị cát lấp, nên chưa hoạt động được. Cùng với đó, hàng chục km kênh mương bê tông bị hư hại nặng đòi hỏi phải có vốn lớn để khắc phục và sửa chữa để phục vụ cho vụ sản xuất Đông Xuân. Điều này huyện Krông Pa chưa thể làm được mà cần sự hỗ trợ của cấp trên để ổn định sản xuất cho người dân.

Vĩnh Hoàng


Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.