ADB giúp EVN vay vốn nâng cấp hệ thống điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
ADB giúp EVN vay vốn nâng cấp hệ thống điện ảnh 1
 

Theo ADB, khoản tín dụng này sẽ giúp EVN có thêm vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa phê chuẩn bảo lãnh khoản tín dụng trị giá 325 triệu USD cho một khoản vay hợp vốn có thời hạn 13 năm trị giá 342 triệu USD cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm để nâng cấp hệ thống phân phối và truyền tải điện, đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng lên.

Quyết định bảo lãnh được phê chuẩn ngày 11-12. Theo ADB, khoản tín dụng này sẽ giúp EVN có thêm vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện, đồng thời tạo điều kiện cho EVN tiếp cận nhiều khoản vay dài hạn từ các ngân hàng thương mại với những điều kiện vay cạnh tranh. Từ đó, các ngân hàng thương mại cũng có thể tham gia vào hoạt động cho vay trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

ADB nhận thấy, thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng điện vẫn còn gặp phải nhiều trở ngại. Vì thế, khoản tín dụng này sẽ dành để tài trợ vốn cho các dự án đường dây truyền tải điện mới và nâng cấp hệ thống lưới điện ở khu vực thành thị và nông thôn, từ đó mở rộng phạm vi cung cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống.

Cũng trong ngày 11-12, ADB cũng đã cung cấp một khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 600.000 USD dưới hình thức viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật đặc biệt để giúp EVN tuân thủ các yêu cầu về mua sắm và các điều kiện bảo trợ môi trường và xã hội khi thực hiện các hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Khoản vay hợp vốn là một khoản vay được cấp cho người vay bởi một nhóm các ngân hàng. Khoản vay này thường được thu xếp bởi ngân hàng có uy tín nhất trong tổ hợp ngân hàng đồng tài trợ.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.