Nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới liên tục trong những ngày qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có mưa vừa đến mưa rất to trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại về tài sản và hoa màu của nông dân.

Tại xã Ia Piơ (Chư Prông) nước lũ dâng cao từ ngày 2 đến ngày 6-9 gây thiệt hại nặng về nhà cửa và hoa màu của nhân dân. Đặc biệt tại các thôn Yên Hưng, Yên Bình và Đoàn Kết đã có lúc bị cô lập hoàn toàn với xung quanh. Muốn vào thôn Đoàn Kết thời điểm ngày 7-9 phải đi bè do người dân tự tạo, đường trong thôn vẫn còn nhiều đoạn ngập sâu trong nước.

Mưa lũ gây ách tắc giao thông. Ảnh: Nguyễn Diệp
Mưa lũ gây ách tắc giao thông. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo thống kê của chính quyền xã Ia Piơ, mưa lũ đã làm mất trắng 183 ha hoa màu, 80 tấn bắp (nông dân đã thu hoạch nhưng chưa mang về để cất) trong các lều chòi ngoài nương rẫy bị nước lũ cuốn trôi, 13 ha ao cá bị cuốn trôi mất trắng hoàn toàn. Đã có 3 lều rẫy của nông dân bị nước cuốn trôi, 100 ngôi nhà bị ngập nước từ 20 cm đến 60 cm, 3 km đường giao thông nông thôn bị hư hỏng nặng, 3 đoạn kênh mương thủy lợi bị sạt lở. Thống kê tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn xã là hơn 2 tỉ đồng. Xã đã huy động hơn 100 lượt thanh niên, dân quân cùng nhiều phương tiện như xe công nông, thuyền bè để hỗ trợ người dân. Lực lượng tại chỗ đã đưa được gần 40 người đi làm rẫy về nơi an toàn. Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Bùi Viết Hội trực tiếp đi thị sát và chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai các biện pháp khẩn cấp giúp nhân dân ứng phó với lũ lụt, ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Cũng nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ các tỉnh miền Trung, từ ngày 4-9 đến nay  trên địa bàn huyện Mang Yang đã có mưa vừa đến mưa to gây nhiều thiệt hại cho người dân. Đặc biệt, lúc 19 giờ 30 phút ngày 5-9, cây cầu 20 nằm trên đường vào xã Ayun, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và phân trại số 4- Trại giam Gia Trung đã bị nước lũ làm sạt mố đổ sập hoàn toàn một nhịp (cầu có 2 nhịp) gây rất nhiều khó khăn trong việc đi lại của nhân dân. Nghiêm trọng hơn việc cầu bị sập bất ngờ đã làm 5 người đi trên 2 chiếc xe máy bị rơi xuống sông. Rất may các lực lượng của xã đã có mặt kịp thời cứu được 4 người đưa vào bệnh viện cấp cứu, còn cháu nhỏ 7 tuổi bị nước lũ cuốn trôi mất tích đến ngày  7-9 mới tìm thấy xác. Ngay sau khi cầu 20 bị sập, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Trung đoàn 7-Quân đoàn 3, Huyện đội Mang Yang đã cử cán bộ chiến sĩ có mặt kịp thời cùng lãnh đạo huyện để giúp người dân qua lại an toàn. Bên cạnh đó, các chiến sĩ  thuộc Trung đoàn 7-Quân đoàn 3 vẫn túc trực thường xuyên 24/24 giờ để vận chuyển người dân qua lại, đồng thời xây dựng cây cầu tạm để người và các phương tiện xe thô sơ đi lại và chiều ngày 7-9 cây cầu này đã hoàn thành đưa vào sử dụng tạm.

Ông Nguyễn Văn Lộc- Bí thư Đảng ủy xã Ayun (Mang Yang) cho biết: Việc sập cầu 20 là một điều rất đáng lo vì cây cầu nằm trên đường huyết mạch từ bao năm nay giúp người dân vận chuyển các mặt hàng nông sản tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngay sau khi cầu bị sập, UBND xã đã huy động lực lượng dân quân, thanh niên, công an có mặt tại hiện trường làm biển báo, kéo điện, đồng thời túc trực 24/24 giờ để giúp người dân qua lại được thuận tiện tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khó khăn lớn nhất hiện nay khi cầu sập là việc đi học hàng ngày của hàng ngàn học sinh các cấp. Bên cạnh đó, việc giao thông ách tắc như thế này có khả năng làm mất trắng khoảng 40 tấn mì tươi bà con đã thu hoạch nhưng không kịp vận chuyển ra. Cùng với đó là việc cung cấp các mặt hàng thực phẩm cho các thôn phía bên kia cầu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì không thể thông đường.

Diệp Khoa

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.