Gia Lai trên hành trình đổi mới và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày này, nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân các dân tộc tỉnh ta đang nô nức thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc chào mừng 64 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 40 năm ngày Bác Hồ đi xa để lại bản Di chúc thiêng liêng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với tất cả niềm tin và kỳ vọng.

Thực hiện lời dạy của Bác, suốt mấy chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã chung vai sát cánh vượt qua gian khổ khó khăn, đánh đuổi Mỹ- Ngụy, hoàn thành giải phóng tỉnh nhà và đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, đổi mới và phát triển đất nước. Trong không khí tự hào, phấn khởi và thiêng liêng, lắng lại lòng mình, chúng ta có dịp nhìn nhận đầy đủ hơn về những gì mình đã làm, thành quả có được, cũng là thực hiện di nguyện của Bác Hồ gửi gắm... để xác định đúng đắn mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới.

Công trình thủy lợi Ia Ring (Chư Sê). Ảnh: Đức Thanh
Công trình thủy lợi Ia Ring (Chư Sê). Ảnh: Đức Thanh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân các dân tộc Gia Lai đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội. Giờ đây, Gia Lai đã là một tỉnh phát triển trên nhiều lĩnh vực. Bộ mặt nông thôn, thành thị khởi sắc từng ngày. Pleiku trở thành viên ngọc quý và càng ngày càng sáng trong, đẹp đẽ, thành nơi tụ hội của du khách gần xa. Cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng có nhiều bước tiến đáng kể. Nền kinh tế phát triển toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các vùng chuyên canh nông nghiệp và cây công nghiệp được hình thành như: Cà phê, tiêu, cao su ở Đức Cơ, Chư Sê, Mang Yang, Chư Prông; lúa nước, mía ở Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện, An Khê; điều, thuốc lá, mì ở Kbang, Krông Pa, Kông Chro...; hàng trăm công trình thủy lợi, thủy điện và các cụm, khu công nghiệp lớn lần lượt ra đời, sau Ia Ly có Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4... Cùng với chính sách kêu gọi đầu tư thông thoáng thuận lợi, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ra đời ngày càng nhiều, Khu Công nghiệp Trà Đa đã cơ bản lấp kín, các khu-cụm công nghiệp khác cũng đã và đang hình thành để đón tiếp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến Gia Lai tìm kiếm cơ hội làm ăn. Hàng ngàn trang trại với nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả khác nhau, hàng chục ngàn điển hình triệu phú, trong đó có một tỷ lệ lớn là đồng bào dân tộc thiểu số đang làm cho diện mạo nông thôn đổi thay sâu sắc và toàn diện. Những tên làng tên xã như Ia Blang (Chư Sê), Pờ Tó (Ia Pa), Sơn Lang (Kbang), Ia Phìn (Chư Prông), Nam Yang (Đak Đoa), Ia O (Ia Grai), Ia Mơr (Chư Prông)... đã trở nên trù phú thịnh vượng. Đặc biệt, sự có mặt của các doanh nghiệp nhà nước và quân đội đứng chân đã góp phần quan trọng làm thay đổi cuộc sống của người dân sở tại, người dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, do được tạo việc làm, hỗ trợ tổ chức cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt, đầu tư xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm... Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai quyết liệt. Nếu sau năm 1975, toàn tỉnh có hơn 50 vạn người phải cứu đói, cơ sở vật chất hầu như không có gì thì nay nạn đói kinh niên đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã chấm dứt, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 18,17% vào cuối năm 2008; tốc độ tăng trưởng GDP ngày càng cao, trong 3 năm gần đây ở mức 13,15%/năm; thu ngân sách năm 2001 đạt 256 tỉ đồng, năm 2008 đạt 1.750 tỉ đồng, năm 2009 gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế nhưng đến quý III vẫn đạt trên 1 ngàn tỉ đồng.  

Cùng với sự phát triển về kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội cũng gặt hái được nhiều kết quả. Nếu sau năm 1975, toàn tỉnh có đến 95% dân số mù chữ thì nay tỷ lệ này đã thu hẹp rất nhiều; hầu hết trẻ trong độ tuổi đều được huy động ra lớp. Giáo dục- đào tạo chuyển biến mạnh mẽ theo hướng phát triển quy mô và nâng cao chất lượng. Hệ thống trường học phủ kín tới các thôn-làng, không còn tình trạng lớp học tranh tre nứa lá tạm bợ. Thấy được giá trị và tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí, tỉnh đã đầu tư một tỷ lệ ngân sách đáng kể cho giáo dục, đi liền với thực hiện chính sách xã hội hóa, triển khai nhiều mô hình giáo dục hiệu quả, trong đó có mô hình bán trú dân nuôi, giúp con em vùng khó khăn học tập. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện chương trình y tế quốc gia được chú trọng đúng mức; đồng bào dân tộc thiểu số được khám- chữa bệnh miễn phí, được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Lễ hội, phong tục truyền thống tốt đẹp được duy trì. Không gian cồng chiêng Tây Nguyên (trong đó có Gia Lai) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tháng 11 này, tại Gia Lai sẽ diễn ra Liên hoan Cồng chiêng Quốc tế Gia Lai- Việt Nam lần thứ nhất. Đây là dịp để khẳng định giá trị nền văn hóa nghệ thuật của mình và quảng bá hình ảnh tỉnh nhà đến bạn bè gần xa. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia với hơn 85% số hộ được dùng điện; báo chí, phát thanh- truyền hình đã đến với người dân vùng sâu, vùng xa. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, chính sách dân tộc, tôn giáo, việc phát huy dân chủ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được chú trọng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước. Sau Hội nghị biểu dương già làng, trưởng thôn do Trung ương tổ chức, tới đây, Đại hội Đoàn kết các dân tộc thiểu số Gia Lai lần thứ nhất cũng sẽ được tổ chức, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư. Quốc phòng- an ninh không ngừng được tăng cường và củng cố. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư được hưởng ứng rộng khắp, góp phần đảm bảo an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Đức Thanh
Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Đức Thanh

Có thể nói thành quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh là rất to lớn, rất tự hào. Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận, chúng ta hãy còn một số khiếm khuyết. Kinh tế phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa tạo ra sự đột phá lớn lao. Hạ tầng cơ sở còn nhiều yếu kém. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có được nâng lên nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách giàu nghèo còn lớn, trình độ dân trí ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Đảng, Nhà nước đã dành nhiều công sức và tâm huyết, đầu tư đáng kể cho vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ nhưng kết quả mang lại vẫn chưa tương xứng. Hy vọng với Nghị quyết chuyên đề đã có, với giải pháp phù hợp, trong thời gian ngắn, khu vực này sẽ có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tai-tệ nạn xã hội còn chậm được khắc phục. An ninh chính trị còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn. Đó còn là sự chủ quan nóng vội khi thực hiện một số chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, phần nào làm ảnh hưởng đến sự đồng thuận của xã hội. Một bộ phận nhân dân còn chưa chủ động vươn lên trong cuộc sống, còn có tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Công cuộc đổi mới và phát triển đang đặt ra cho đất nước và tỉnh nhà yêu cầu nhiệm vụ rất nặng nề, đặc biệt phải tập trung giải quyết đồng thời hai nhiệm vụ củng cố vững chắc an ninh chính trị và phát triển kinh tế. Thực tế ấy đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển của Đảng, Nhà nước và của địa phương.Tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đi đôi với phát huy bản sắc các dân tộc. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân... Nghiêm khắc đối mặt với sự thật, sai lầm, khuyết điểm, huy động sức mạnh toàn lực và đề ra giải pháp phù hợp, chắc chắn chúng ta sẽ thành công, từ đó càng làm sáng tỏ thêm giá trị của Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 cũng như tâm nguyện của Hồ Chủ tịch qua bản Di chúc bất hủ của Người.                                          

Thất Sơn
                                                                                                       

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) nhằm đánh giá kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II năm 2024.