Trên cánh đồng Ayun Hạ: Rầy nâu tiếp tục tàn phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 10.500 ha lúa nước vụ mùa ở các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai đang bị rầy nâu đe dọa; trong đó, có gần 80 ha bị cháy hoặc nguy cơ cháy với mật độ nhiễm rầy nâu ở mức 50-5.000 con/m2. Đây là năm thứ 5 liên tiếp vựa lúa Ayun Hạ bị rầy nâu tàn phá do tập quán sản xuất lúa vụ 3 tạo môi trường dung dưỡng rầy nâu trên đồng ruộng

Hàng trăm ha lúa vụ 3 lại bị rầy nâu tàn phá

Vụ mùa 2009, vựa lúa Ayun Hạ gieo sạ trên 10.500 ha lúa nước; trong đó, huyện Phú Thiện có khoảng 6.500 ha, huyện Ia Pa gần 3.000 ha và thị xã Ayun Pa trên 1.000 ha. Đáng chú ý, có trên 300 ha lúa trà sớm (thực chất là lúa vụ 3) đang trong thời kỳ chín tới, lác đác đã có một số diện tích thu hoạch. Tuy nhiên, theo báo cáo của các Trạm bảo vệ thực vật trong vùng, đến nay, hầu hết diện tích lúa Đông Xuân trà sớm (vụ 3) và đại trà đã xuất hiện rầy nâu gây hại với mức độ khác nhau. Đáng chú ý, có một số khoảnh ruộng bị cháy rầy cục bộ.

Phun thuốc diệt rầy nâu. Ảnh: Đức Phương
Phun thuốc diệt rầy nâu. Ảnh: Đức Phương

Tại thị xã Ayun Pa, theo báo cáo đã có 47,7/70 ha lúa trà sớm (vụ 3) ở các phường Cheo Reo, Hòa Bình, Đoàn Kết bị nhiễm rầy nâu với mật độ 50-300 con/m2, (có 22,3 ha lúa giống ML48,  và giống ML48 và IR64 nhiễm rầy nâu với mật độ cao: 1.000-5.000 con/m2). Ông Trần Đức Vinh- Trưởng trạm BVTV Ayun Pa cho biết: Thị xã đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với Hợp tác xã Phú Lợi, chính quyền các phường tập trung thực hiện các biện pháp phòng trừ. Đến nay rải rác một số đám ruộng dọc quốc lộ 25 bị cháy rầy do chủ ruộng không đi kiểm tra ruộng thường xuyên để kịp thời phát hiện, phun thuốc phòng trừ. Tuy nhiên, tổng diện tích lúa đại trà và trà muộn trn 900 ha đang trong thời kỳ tượng khối sơ khởi- đòng trổ đã xuất hiện rầy nâu với mật độ nhẹ, dự báo sẽ khởi phát đợt rầy nâu mới trong vòng hơn 2 nuần tới. 

Huyện Phú Thiện có 1,8 ha/9 ha lúa lỡ vụ (vụ 3) ở xã Ia Hiao bị rầy nâu tàn phá; trong đó, có 1 số đám ruộng ở trước UBND xã Ia Hiao bị cháy rầy, mà nặng nhất là ruộng của gia đình ông Võ ở thôn Chrôh Pơnan xã Chrôh Pơnan canh tác tại đây bị cháy rầy cả 3 lứa tuổi với mật độ nhiễm trên 2.360 com/m2. 

Ông Hồ Xuân Việt- Phó trưởng Trạm BVTV Phú Thiện cho biết: Hầu hết diện tích lúa vụ mùa của các xã đều xuất hiện rầy nâu với mật độ nhỏ 50-200 con/m2. Hiện tất cả cán bộ của Trạm đã được huy động xuống xã, thôn để cùng với cán bộ địa phương đến từng nhà nhắc nhở người dân phun thuốc diệt rầy nâu, ngăn chặn không để rầy lây lan lứa tới (theo chu kỳ dự báo 20 ngày nữa sẽ bùng phát lứa rầy mới trên diện tích lúa đại trà, trà muộn).

Trong cuối tháng 8, tại địa bàn xã Amarơn huyện Ia Pa xuất hiện  rầy nâu trên diện tích 30 ha lúa với mật độ nhẹ và trung bình. Mặc dù, công tác phòng trừ rầy nâu được gấp rút triển khai và thực tế đến nay dịch bệnh trên địa bàn đã được khống chế và tạm lắng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Vinh- Quyền trưởng Trạm BVTV huyện cho biết: “Dự báo trong tuần tới bệnh rầy nâu lứa mới sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại trên diện tích lúa trà sớm và trà muộn”.

Mâu thuẫn trong phòng- chống bệnh rầy nâu

Liên tiếp từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn thị xã Ayun Pa nói riêng và vùng trọng điểm lúa Ayun Hạ nói chung đều bị rầy nâu gây hại lúa là do tập quán sản xuất duy trì gieo sạ lúa trà sớm (lúa lỡ vụ, vụ 3), nên nuôi dưỡng mầm bệnh rầy nâu trên đồng ruộng quanh năm. Mặc dù từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiên quyết không gieo sạ lúa vụ 3 và các địa phương cũng đã chỉ đạo nông dân thực hiện yêu cầu này; tuy nhiên, trên thực tế, nông dân vẫn phớt lờ các chỉ đạo này để tự ý gieo sạ tới hơn 300 ha lúa trà sớm (thực chất là lúa vụ 3), và hậu quả đã được cảnh báo từ trước...

Lúa vụ mùa bị cháy rầy cục bộ. Ảnh: Đức Phương
Lúa vụ mùa bị cháy rầy cục bộ. Ảnh: Đức Phương

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, do đặc điểm chân ruộng của 3 huyện trong vùng có độ nông-  sâu chênh lệnh rõ rệt, nên khi vào vụ, các chân ruộng trũng ở các xã: Chrôh Pơnan, Ia Hiao (Phú Thiện), phường Hòa Bình, Cheo Reo, Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) và Ia Trốk, Ama Rơn (Ia Pa), bà con buộc phải gieo sạ sớm gần 1 tháng để tránh ngập úng khi công trình thủy lợi Ayun Hạ xả nước.

Nông dân Phan Văn Chức ở phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa bức xúc: “Vẫn biết gieo lúa trà sớm là bị bệnh rầy nâu. Nhưng nếu làm theo chính quyền yêu cầu không gieo trà sớm thì những diện tích lâu nay vẫn gieo sạ như thế nếu phải đợi đến đại trà mới xuống giống sẽ bị ngập úng hết, sẽ không gieo sạ được. Dân chúng tôi lấy gì ăn?”.

Vẫn chưa có con số thống kê cụ thể thiệt hại do đợt rầy nâu lần này gây ra, tuy nhiên rải rác đã có 1 số diện tích lúa bị cháy rầy ở các địa phương nói trên. Và thực tế vùng trọng điểm lúa Ayun Hạ đang tồn tại một mâu thuẫn lớn trong phòng chống dịch bệnh rầy nâu là: Tiếp tục sản xuất lúa vụ 3 thì sẽ có nguy cơ bị rầy nâu gây hại, hay là bỏ trống hàng trăm ha ruộng để hạn chế bệnh rầy nâu?

Đức Phương



Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.