Gia Lai: Cần cú hích cho công nghiệp địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài Khu Công nghiệp Trà Đa, hiện các cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã và TP. Pleiku vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư như mong muốn. Đó là thực trạng đang được chính quyền “gỡ bí” qua các cuộc xúc tiến, kêu gọi đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư chần chừ

Một cuộc xúc tiến đầu tư nữa trong năm nay sẽ được tổ chức tại Festival Cồng chiêng Quốc tế Gia Lai lần thứ I. Dự kiến sẽ có trên 30 dự án đưa ra mời gọi đầu tư trong dịp này với các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, năng lượng; nông- lâm nghiệp; thương mại và dịch vụ; giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch. Cho đến nay, tỷ trọng công nghiệp của Gia Lai vẫn được xem là khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có. Nhưng để khai thác tiềm năng này, còn nhiều việc phải làm. Những nguyên liệu dồi dào như: Cao su (trên 73 ngàn ha), cà phê (trên 76 ngàn ha)… đang là lợi thế để tỉnh mời gọi các nhà đầu tư. Nguồn thủy năng dồi dào cũng đang hy vọng có thêm những kết quả tốt trong mời gọi đầu tư. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện có 120 công trình thủy điện với tổng công suất 2.407 MW và vẫn còn nhiều công trình chờ các nhà đầu tư “vén màn”. Dĩ nhiên, kết quả còn… phải chờ!

Nhà máy sản xuất đường An Khê. Ảnh: Đức Thanh
Nhà máy sản xuất đường An Khê. Ảnh: Đức Thanh

Thực tế, một số nhà đầu tư vẫn chưa chọn Gia Lai là điểm đến. Cách đây vài năm, có nhà đầu tư đến từ Đức đã tiến hành thăm dò để đầu tư vào Khu Công nghiệp Trà Đa một nhà máy khá lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Nhưng cuối cùng “bến đỗ” của nhà đầu tư này lại là ở tỉnh khác. Hoặc dự án xây dựng nhà máy xăm lốp ô tô được mời gọi khá rầm rộ và tưởng như đã thành công nhưng hiện nay vẫn chưa rõ đích đến… Nhiều cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã trong tỉnh dù đã được quy hoạch hẳn hoi nhưng vẫn trong cảnh đìu hiu.

Ngoài ra, việc quy hoạch vùng nguyên liệu vẫn chưa thành một chủ trương dài hơi. Vài năm qua, đại nạn chặt phá điều ở các vùng trọng điểm về loại cây này khiến hai nhà máy chế biến hạt điều ở huyện Krông Pa và ở Khu Công nghiệp Trà Đa thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nhà máy bông đặt ở huyện Chư Sê cũng trong tình trạng đó, các nhà máy đường giành nhau nguyên liệu như đã từng xảy ra…

Dù là tỉnh có nhiều điều kiện, tiềm năng cộng với nỗ lực cải cách hành chính, một chính quyền biết lắng nghe và giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng cho doanh nghiệp, nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ để kéo các nhà đầu tư đậu lại. Bởi, cơ sở hạ tầng còn yếu, vùng nguyên liệu nằm xa thị trường tiêu thụ… đang là những lực cản đối với nhà đầu tư. Để nối gần khoảng cách về địa lý, ngoài tiềm năng về nguyên liệu thì việc trải thảm đỏ đón người hiền cộng với đào tạo tại chỗ phù hợp với nhu cầu tuyển dụng luôn là nhu cầu cấp thiết. Đây cũng được đánh giá là một tiềm năng lớn để “níu chân” nhà đầu tư nếu biết phát huy.

Có đầy nhưng vẫn thiếu

Toàn tỉnh hiện có 2 khu công nghiệp ở xã Trà Đa (TP. Pleiku) và Khu công nghiệp Tây Pleiku đang mời gọi đầu tư. Theo số liệu thống kê mới nhất của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh cho biết: Trên 95% diện tích (gần 110 ha) của Khu Công nghiệp Trà Đa đã được lấp đầy và hiện đang được mở rộng. Đến nay, nơi đây đã thu hút được 31 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 783 tỉ đồng, trong đó vốn thực hiện đạt khoảng trên 60%. Hiện khu công nghiệp đã giải quyết được cho địa phương gần 2.000 lao động với mức lương bình quân trên 1,6 triệu đồng/người/tháng. Và với 25 dự án đi vào sản xuất ổn định, đây được xem là điểm thành công nhất về thu hút đầu tư.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Trong năm nay, một số nhà đầu tư trong khu công nghiệp này cũng đối mặt với thực trạng chung về suy thoái kinh tế toàn cầu. Cụ thể, Doanh nghiệp tư doanh Thái Bình đã ngừng hoạt động từ đầu năm 2008, Doanh nghiệp tư nhân Điền Mãi gặp khó khăn về tài chính, hiện đang bị cơ quan chức năng kê biên tài sản hay Công ty cổ phần đá granit Chung Tâm cũng mới trở lại sản xuất sau nhiều tháng ngừng hoạt động. Đây là một trong số nhiều doanh nghiệp cũng đang trong thời điểm khó khăn.

Hầu hết những  nhà đầu tư của khu công nghiệp chỉ ở tầm nhỏ và vừa nên sức đề kháng đối với những biến động kinh tế là chưa vững. Những nhà đầu tư này chủ yếu đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến gỗ tinh chế, đá granit, chế biến hạt điều… Hiện ở khu công nghiệp cũng như toàn tỉnh, công nghiệp chế biến nông- lâm sản còn ít được các nhà đầu tư quan tâm. Bởi vậy, trong đợt xúc tiến đầu tư sắp tới, dự kiến tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư khoảng 14 dự án vào lĩnh vực này. Việc kêu gọi này hoàn toàn có chủ đích bởi các dự án đều gắn với vùng nguyên liệu khá dồi dào, kết nối được với thị trường tiêu thụ lớn.

Trong những năm gần đây, Gia Lai đã có nhiều cải thiện đáng kể trong phát triển kinh tế- xã hội. Tổng thu ngân sách năm nay ước đạt xấp xỉ 2.000 tỉ đồng- một con số khá ấn tượng trong thời điểm kinh tế suy thoái, dự báo tăng trưởng trên 12%. Đây là nền móng ổn định để Gia Lai thực hiện thành công công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân. Và việc giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến các nhà đầu tư, tựu trung cũng không nằm ngoài mục đích trên.

Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.