Cơ hội lớn để phát triển kinh tế- xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên với chủ đề: “Tây Nguyên- Thức dậy những tiềm năng” vừa được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đak Lak). Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cùng lãnh đạo các bộ ngành và các tập đoàn, nhà đầu tư trong, ngoài nước tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 doanh nghiệp. Ảnh: Trần Hiếu

Dù là mảnh đất được đánh giá giàu tiềm năng nhưng Tây Nguyên hiện vẫn là vùng nghèo khó. Tây Nguyên có nhu cầu về vốn, khoa học kỹ thuật… rất lớn nhưng nguồn vốn của Nhà nước không đáp ứng đủ. Và diễn đàn này là cầu nối, là cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên quảng bá tiềm năng của mình với các nhà đầu tư, mở ra những cơ hội lớn trong đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Tiềm năng phong phú

Chỉ riêng tiềm năng thủy điện, với một mạng lưới sông suối khá lớn, dày đặc, Tây Nguyên đã chiếm đến 22% trữ lượng thủy năng của cả nước, có thể sản xuất 15 tỉ KWh điện mỗi năm. Toàn vùng có trên 1,5 triệu ha đất đỏ bazan, được xếp vào loại đất tốt nhất thế giới. Ngoài ra, vùng này còn có hàng chục vạn ha đất đen, đất phù sa. Độ che phủ của rừng chiếm 56% diện tích với nhiều loại gỗ quý. Chính lợi thế này đã giúp cho Tây Nguyên có điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với nhiều sản phẩm chủ lực như: Cà phê, tiêu, cao su, hoa quả, sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu…

Công trình thủy điện Plei Krông trên sông Sê San. Ảnh: Đức Thụy
Công trình thủy điện Plei Krông trên sông Sê San. Ảnh: K.N.B

Đây cũng là nơi có tiềm năng lớn về khoáng sản với nhiều loại như: Than bùn, than nâu, đất sét, cao lanh, puzơlan và đặc biệt là bôxit với trữ lượng khoảng 4,5 tỉ tấn (chiếm 91% trữ lượng của cả nước). Hơn nữa, nhiều địa chỉ du lịch của Tây Nguyên cũng luôn cuốn hút  du khách bởi khí hậu thuận lợi, vẻ hoang sơ. Và một trong những sản phẩm du lịch của khu vực là cồng chiêng luôn hút khách, nhất là khi cồng chiêng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại”.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Tiềm năng phong phú là vậy, song theo ông Mai Văn Năm- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thì: “Tây Nguyên vẫn là vùng chậm phát triển so với nhiều vùng khác trong cả nước. Nơi đây phải tiến lên mạnh hơn nữa nhưng không dựa quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mà phải thu hút nguồn vốn từ những thành phần kinh tế khác cũng như vốn đầu tư nước ngoài”. Trên thực tế, từ năm 2001 đến nay, toàn vùng chỉ thu hút được 110 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 1.200 tỉ đồng và 280 triệu USD. Cũng trong những năm này, Tây Nguyên chỉ thu hút được 900 triệu USD vốn ODA, chỉ chiếm 4% so với tổng nguồn vốn này. Thiếu vốn, lao động lành nghề, thiết bị khoa học hiện đại là lực cản kìm hãm việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên.

Mở ra cơ hội đầu tư

Hồ tiêu Chư Sê. Ảnh: Đức Thụy
Hồ tiêu Chư Sê. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu tại diễn đàn, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cam kết sẽ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để các nhà đầu tư làm ăn. Có mặt tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ đã giới thiệu những tiềm năng của địa phương đến các nhà đầu tư trong, ngoài nước và kêu gọi: “Hy vọng thông qua diễn đàn này, trong một ngày gần đây, Gia Lai sẽ được hân hạnh đón các vị khách quý đến tham quan, xúc tiến các hoạt động thương mại và đầu tư trên mảnh đất giàu tiềm năng…”. Lãnh đạo các tỉnh trong khu vực cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

* Tại diễn đàn, có 19 dự án với tổng vốn 10.767 tỉ đồng được ký kết. Riêng tỉnh Gia Lai có 3 dự án cam kết đầu tư với tổng vốn 748,5 tỉ đồng.

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng: Nhà máy sản xuất phụ gia khoáng puzơlan, đầu tư tại huyện Đak Đoa, vốn đầu tư 59 tỉ đồng do Công ty TNHH Hưng Tín làm chủ đầu tư và dự án trồng, chăm sóc cao su (Mang Yang), vốn đầu tư 91 tỉ đồng do Công ty cổ phần Trồng rừng công nghiệp Gia Lai làm chủ đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt đã đưa ra 6 mục tiêu, giải pháp để giúp Tây Nguyên phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Cụ thể, các tỉnh thuộc Tây Nguyên cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể và từng ngành để phát triển vững chắc; thực hiện tốt các chính sách được Chính phủ ban hành; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư; lựa chọn cơ cấu đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng và của mỗi tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo để phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa... “Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế phối hợp trong vùng; các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong, ngoài nước, vốn đầu tư  cho các chương trình trọng điểm. Bộ cũng như phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong các chương trình xúc tiến đầu tư thời gian tới”- Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt cam kết.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Tây Nguyên vẫn chưa khai thác được nhiều tiềm năng sẵn có. Cần đầu tư vốn, công nghệ hiện đại, cải thiện cơ sở hạ tầng, ưu tiên cho giáo dục, đặc biệt là vấn đề đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế... Những vướng mắc của doanh nghiệp, của các tỉnh cần phải được chú ý giải quyết. Phó Thủ tướng lưu ý với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tập hợp các ý kiến trên chuyển đến Chính phủ, Ban Bí thư giải quyết giúp Tây Nguyên thực sự là nơi có môi trường đầu tư thông thoáng.

Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.