Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Như Gia Lai Điện tử đã phản ánh, mặc dù không có mưa to kéo dài nhưng nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của người dân các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai. Tính sơ bộ, tổng mức thiệt hại trên 7,81 tỉ đồng.

Đến sáng ngày 9-9, nước lũ trên sông Ba và sông Ayun đã rút chậm. Đỉnh lũ tại cầu Bến Mộng đo được sáng ngày 9-9 ở cao trình 153 mét, đạt mức báo động 1. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo phòng- chống lụt bão các huyện phía Đông Nam tỉnh, đến chiều ngày 9-9, do nước rút không đáng kể nên hầu hết diện tích bị úng ngập từ vài ngày qua vẫn còn nguyên trạng do đó khả năng thiệt hại đối với hoa màu là rất lớn.

Nhiều nhà ở dọc sông Ayun, huyện Phú Thiện bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Nhiều nhà ở dọc sông Ayun, huyện Phú Thiện bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: V.H

Phú Thiện là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thống kê đến ngày 9-9, nước lũ đã nhấn chìm 309,5 ha lúa vụ mùa đang làm đòng và chín tới chưa kịp gặt, khoảng hơn 100 ha bắp, cuốn trôi 32 ha ao cá, hư hỏng 900 mét đường giao thông, sạt lở 200 mét kênh mương, bồi lấp hơn 100 mét kênh N3, cuốn trôi trên 200 con gà, vịt... Ước thiệt hại trên 5,35 tỉ đồng. Ông Phạm Nhuần-  Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo phòng- chống lụt bão huyện cho biết: Đến nay, những hộ dân bị ngập dọc theo sông Ayun đã được di dời an toàn. Đường vào xã Ia Yeng và Ayun Hạ sau 1 ngày bị chia cắt đã thông xe. Một số diện tích lúa trà sớm đang chín có thể thu hoạch được khi nước rút cũng đang gấp rút thực hiện. Tuy nhiên, do nước lũ vẫn đang cao nên đa số diện tích lúa đang trổ đòng và hoa màu bị ngâm nước dài ngày có khả năng bị thiệt hại nặng.

Khác với hôm trước, ngày 9-9, tại hầu hết các huyện Đông Nam tỉnh có mưa liên tục nên công tác khắc phục hậu quả của lũ lụt gặp nhiều khó khăn. Thống kê ban đầu, đến chiều 9-9, huyện Ia Pa vẫn còn 22,2 ha bắp, 3,7 ha đậu, 59,2 ha lúa, 39 ha mì bị ngập chìm trong nước. Ước thiệt hại khoảng 836 triệu đồng. Ông Lã Phúc Phong- Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng- chống lụt bão huyện cho biết: Huyện vẫn đang chỉ đạo các ngành và các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại và giúp dân khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do nước rút chậm nên số diện tích lúa đang chín và mì bị ngâm nước có khả năng sẽ bị mất trắng.

Tại thị xã Ayun Pa cũng bị nước ngập kéo dài mất 30 ha lúa vụ mùa đang chín và một số diện tích lúa mới sạ tăng vụ; ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Chính quyền thị xã khuyến cáo người dân chờ nước rút tập trung thu hoạch số diện tích này, nhưng hy vọng đang dần mất đi vì các ruộng lúa vẫn ngâm dài trong mênh mông nước.

Hàng trăm ha lúa và hoa màu bị chìm trong lũ. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Hàng trăm ha lúa và hoa màu bị chìm trong lũ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Mặc dù không có mưa to, nhưng vì ở vùng hạ lưu sông Ba nên huyện Krông Pa chịu thiệt hại khá nặng vì nước lũ. Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ đạo phòng- chống lụt bão huyện: Đến ngày 9-9, nước lũ sông Ba và hồ thủy điện Sông Ba Hạ lên cao đã nhấn chìm 15 ha lúa, 25 ha bắp lai và 10 ha mì của người dân các xã Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng. Các công trình giao thông, thủy lợi ở đây bị ảnh hưởng; trong đó tuyến đường liên xã từ Ia Rsươm đi xã Krông Năng bị trôi một loạt cầu cống, gây ách tắc giao thông; nước suối Ia Rsai dâng cao chia tách, cô lập 7 buôn của xã Ia Rsai khiến học sinh và giáo viên không thể đến trường từ ngày 7-9 đến nay. Mưa lớn làm bồi lắng cát khoảng 255 m3 tại kênh chính nam Uar, 350 m3 tại kênh chính bắc Uar, 1.200 m3 tại kênh trạm bơm Chư Gu... Uớc tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra hơn 1,12 tỉ đồng. Trước tình hình mưa lũ, huyện Krông Pa đã tạm xuất ngân sách 234 triệu đồng và chỉ đạo Đội Công trình Giao thông huyện sửa chữa khắc phục sạt lở tại các khu vực đường liên xã Chư Drăng để đảm bảo giao thông thông suốt; xuất ngân sách 55 triệu đồng giao cho Trạm Quản lý Thủy nông tổ chức nạo vét cát bồi lắng kênh trạm bơm Chư Gu, đảm bảo tiêu úng cho nhiều số diện tích ruộng bị ngập.

Đức Phương- Vĩnh Hoàng


Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.