Nhiều tiện ích từ máy bán hàng tự động trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được sự đồng ý của UBND TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), từ năm học 2019-2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp với doanh nghiệp lắp đặt hệ thống máy bán hàng tự động trong các cơ sở giáo dục. Qua một thời gian hoạt động, mô hình này được phụ huynh và học sinh đánh giá cao.
Cũng như nhiều bạn bè, em Lê Nhật Trương (lớp 5.2, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, phường Thống Nhất) khá hào hứng với chiếc máy bán hàng tự động mới được lắp đặt trong sân trường từ đầu tháng 11. Trương thường mua các loại nước giải khát ở đây sau mỗi giờ học thể dục. Em chia sẻ: “Có máy bán hàng tự động ở đây, em không phải ra các cửa hàng tạp hóa ngoài cổng trường để mua nước uống”.
Lúc đầu, nhiều phụ huynh còn khá e dè. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, phụ huynh đã nhận thấy những tiện ích từ chiếc máy này. Anh Ngô Minh Đài-phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc-cho biết: “Tôi thấy việc đặt chiếc máy này trong khuôn viên trường học khá an toàn cho học sinh khi sử dụng, hạn chế ra ngoài cổng trường mua đồ uống, có nguy cơ mất an toàn thực phẩm”.
Nói về việc lắp đặt máy bán hàng tự động trong trường học, cô Nguyễn Thị Ái Phụng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc-cho hay: “Theo chủ trương của thành phố, tùy vào điều kiện, nhiều trường đã lắp đặt máy bán hàng tự động trong năm học trước. Riêng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc mới chỉ lắp đặt từ đầu tháng 11 này. Sau hơn nửa tháng quan sát, tôi nhận thấy một số mặt tích cực của mô hình này. Các mặt hàng nước giải khát, bánh ngọt… trong máy đều có thương hiệu, có mã vạch rõ ràng nên không lo về chất lượng. Máy bán hàng tự động hạn chế được việc học sinh ăn quà vặt không rõ nguồn gốc ngoài cổng trường”.
Cô Phụng thông tin thêm, đối với chiếc máy bán hàng tự động này, bên công ty lắp ráp chịu toàn bộ chi phí về điện sử dụng và hỗ trợ Công đoàn nhà trường 500 ngàn đồng/tháng. Nếu máy hoạt động không hiệu quả thì họ sẽ rút về.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã sử dụng thành thạo máy bán hàng tự động. Ảnh: Trần Dung
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã sử dụng thành thạo máy bán hàng tự động. Ảnh: Trần Dung
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn thành phố tiến hành lắp máy bán hàng tự động trong năm học 2019-2020. Do vậy, đến nay, các em học sinh đã quá quen với mô hình này. Chiếc máy được đặt tại nhà đa năng nên chủ yếu phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh sau hoạt động thể dục, thể thao.
Đối với học sinh bậc tiểu học, mỗi sáng trước khi đến trường, các em thường được bố mẹ chuẩn bị sẵn nước uống hay đồ ăn vặt trong cặp. Nhưng giờ đây, các em đã có thể tự lập khi sử dụng máy bán hàng tự động. Chỉ cần những thao tác đơn giản, các em có thể mua được hộp sữa, chai nước hay bánh mì ngay trong giờ ra chơi mà không phải ra ngoài cổng trường. Điều đó giúp phụ huynh yên tâm hơn khi con đến trường.
Chị Dương Thị Thanh Nga-phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi-bày tỏ: “Chúng ta cần cho các con tiếp cận dần với những thiết bị thông minh, tiện ích trong cuộc sống như máy bán hàng tự động để trẻ không bị lạc hậu mà bắt nhịp ngay được với cuộc sống hiện đại”.
Thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi-cho biết: “Máy bán hàng tự động đã đáp ứng được nhu cầu của giáo viên và học sinh, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Mặt khác, nó giúp hạn chế tối đa việc học sinh ùa ra cổng trường trong những giờ giải lao để mua nước uống, bánh kẹo… gây mất trật tự, mất an toàn giao thông. Bên cạnh một số bất cập nhỏ như: sợ học sinh mang tiền lên lớp đánh rơi, làm mất thì tiện ích của máy bán hàng tự động là khá cao”.
Năm học 2019-2020, được sự đồng ý của UBND TP. Pleiku, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp cùng Công ty TNHH Hành trình tìm kiếm Đại Dương Xanh triển khai lắp đặt 8 máy bán hàng tự động tại 4 trường tiểu học và 1 trường THCS trên địa bàn.
Bà Phạm Thị Kim Thoa-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố-thông tin: “Sau 1 năm vận hành thí điểm, chúng tôi nhận thấy đây là thiết bị hiện đại, mang lại nhiều tiện ích. Máy bán hàng nhỏ, gọn nên dễ dàng lắp đặt trong khuôn viên trường học và phục vụ người tiêu dùng ngay tại chỗ. Bên cạnh mỗi chiếc máy có đặt những chiếc giỏ phân loại rác thải, góp phần bảo vệ môi trường và giáo dục ý thức cho học sinh. Đặc biệt, mô hình này khắc phục được tình trạng bán hàng rong, không đảm bảo an toàn thực phẩm và hàng kém chất lượng trước cổng trường học. Lắp đặt máy bán hàng tự động trong các trường học là một trong những vấn đề để tiến tới xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, thích ứng với thời đại 4.0”.
Cũng theo bà Thoa, sau khi khảo sát tại một số đơn vị trường học, năm học 2020-2021, ngành tiếp tục nhân rộng mô hình này tại 9 trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố. Để phát triển mô hình máy bán hàng tự động, công ty tổ chức dịch vụ cần nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa cung cấp, đa dạng hóa mặt hàng; bố trí bộ phận giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình giao dịch với máy bán hàng.
TRẦN DUNG-NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.