Xử lý sạt lở bờ sông Ba: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, HĐND tỉnh Gia Lai đã thông qua nghị quyết về việc triển khai thực hiện dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba đoạn qua khu vực xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa). Đây là tin vui cho cư dân sinh sống trong vùng sạt lở. Tuy nhiên, việc đầu tư và xử lý sạt lở lại thiếu sự căn cơ, đồng bộ.
 

Bờ sông Ba tiếp tục sạt lở

Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Pa-thông tin: Sông Ba đoạn chảy qua địa bàn huyện Krông Pa có chiều dài khoảng 42 km, thuộc địa phận 8 xã, thị trấn. Tình trạng sạt lở xảy ra tại tất cả địa phương nơi dòng sông chảy qua nhưng có 3 xã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng gồm: Ia Rsai, Ia Rsươm và Chư Rcăm.

Người dân buôn H'Lang (xã Chư Rcăm) bên bờ một đoạn sông bị dòng nước lớn cuốn tạo thành bờ vách cao cả chục mét. Ảnh: Quang Ngọc
Người dân buôn H'Lang (xã Chư Rcăm) bên bờ một đoạn sông bị dòng nước lớn cuốn tạo thành bờ vách cao cả chục mét. Ảnh: Quang Ngọc


Cách đây khoảng 10 năm, huyện đã lập dự án và đề xuất phương án khắc phục tình trạng sạt lở dọc bờ sông với tổng kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Phương án xử lý bao gồm xây dựng hệ thống kè chống sạt lở và tiến hành tái định cư cho khoảng 313 hộ dân.

Tuy nhiên, trước áp lực nguồn kinh phí quá lớn trong điều kiện ngân sách địa phương eo hẹp nên việc triển khai phải chia nhỏ thành nhiều giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2012-2014, huyện Krông Pa triển khai dự án bố trí dân cư vùng sạt lở tại 4 buôn của xã Ia Rsai với 875 khẩu; tổng kinh phí 8,7 tỷ đồng. Năm 2019, huyện tiếp tục triển khai dự án bố trí dân cư cấp bách cho 31 hộ, 166 khẩu (xã Ia Rsươm 21 hộ, xã Ia Rsai 10 hộ) bằng hình thức ổn định tại chỗ hoặc xen ghép vào tái định cư.

Theo ông Hà Văn Đường-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm: Nhiều năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông Ba đã đe dọa đến sự an toàn của 102 hộ dân (chủ yếu là người Jrai) sinh sống tại thôn Mới, thôn Sông Ba và buôn H'Lang. Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ sông Ba còn đe dọa đến một số công trình hạ tầng trọng yếu, điển hình là cầu Lệ Bắc trên quốc lộ 25 (nối 2 xã Chư Rcăm và Ia Rsươm).

“Sau mỗi mùa mưa bão, sông Ba lại tiếp tục “nuốt” thêm nhiều diện tích đất sản xuất và các công trình khác của người dân trên địa bàn. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là buôn H'Lang. Một số hộ lo sợ nguy hiểm nên đã di chuyển vào ở tạm một nơi cách xa bờ sông”-ông Hà Văn Đường cho biết.

Bờ sông Ba sạt lở đã “nuốt” trôi nghĩa địa buôn HLang (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa
Bờ sông Ba sạt lở đã “nuốt” trôi nghĩa địa buôn H'Lang (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa


“Muối bỏ bể”

Ông Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình trạng sạt lở bờ sông Ba, huyện đã thường xuyên theo dõi, rà soát, ghi nhận các tác động của tình trạng này, nhất là mỗi khi có đợt mưa lũ lớn. Từ đó, huyện xây dựng phương án xử lý phù hợp, kịp thời. “Mục tiêu là không để xảy ra sự cố liên quan đến an toàn sức khỏe, sinh mạng của người dân”-ông Tô Văn Chánh khẳng định.

Đặc biệt, thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông Ba đã đe dọa đến an toàn công trình cầu Lệ Bắc, nhất là chân cầu về phía xã Chư Rcăm. Trước nhu cầu bức bách này, Nghị quyết số 218 ngày 8-5-2020 của HĐND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ tả phía hạ lưu cầu Lệ Bắc (thuộc xã Chư Rcăm).

  Gia cố điểm sạt lở mố cầu Lệ Bắc (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Ảnh: TRẦN ĐỨC
Gia cố điểm sạt lở mố cầu Lệ Bắc (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Ảnh: Trần Đức

Theo đó, tuyến kè có chiều dài khoảng 160 m với tổng kinh phí xây dựng khoảng 8,8 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do Trung ương phân bổ; giao dự án cho UBND huyện Krông Pa trực tiếp quản lý. Hiện nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện đang tiến hành các bước đấu thầu để chọn đơn vị triển khai thực hiện dự án theo quy định. Dự kiến, dự án sẽ sớm được triển khai thi công ngay trong năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021.

“Dự án góp phần khắc phục tình trạng sạt lở bờ tả sông Ba phía hạ lưu cầu Lệ Bắc, giữ vững một phía mố cầu. Đồng thời qua đó đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản cho người dân trong mùa mưa bão”-ông Đào Văn Thắng-Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Krông Pa-cho hay.

Trước diễn biến khó lường của tình trạng sạt lở sông Ba đe dọa an toàn của cư dân ven sông, Trung ương cũng đã hỗ trợ địa phương 15 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng và bố trí nơi ở mới cho 99/102 hộ dân buôn H'Lang (3 hộ đã tự di dời nhà ở trước đó) qua khu tái định cư tại buôn Du (xã Chư Rcăm) cách buôn H'Lang khoảng 1 km. Tháng 8 vừa qua, các đơn vị liên quan đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân buôn H'Lang tiến hành đo đạc, kiểm đếm hiện trạng công trình thuộc phạm vi bắt buộc di dời ở buôn H'Lang để có phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân khi di dời nơi ở.

Về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Toản-Bí thư Chi bộ buôn HLang-phấn khởi cho biết: “Khi huyện, xã họp dân để thông báo chủ trương di dời, tái định cư, bà con rất mừng. Lâu nay, bà con trong buôn đã chủ động không xây dựng thêm các công trình nhà ở, kiến trúc kiên cố để tránh lãng phí không cần thiết. Nhiều hộ đã dành tiền, đợi khi chuyển qua nơi ở mới đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, bài bản hơn”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tô Văn Chánh, các nguồn vốn nói trên mới chỉ đáp ứng nhu cầu giải quyết khó khăn trước mắt, cục bộ trong phạm vi các đoạn xung yếu, nguy cấp liên quan đến vấn đề sạt lở sông Ba.

“Trong chuyến công tác mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã chỉ ra những nguy cơ tác động từ tình trạng sạt lở sông Ba đối với sự bền vững của công trình hạ tầng giao thông tuyến quốc lộ 25 nếu như không sớm có biện pháp can thiệp, xử lý. Do vậy, địa phương rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và Trung ương trong việc bố trí nguồn vốn, nghiên cứu các giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ để giải quyết được toàn diện và lâu dài các tác động tiêu cực từ tình trạng sạt lở này. Qua đó giúp người dân sinh sống, sản xuất bên bờ sông Ba được an toàn, an cư lạc nghiệp”-ông Tô Văn Chánh đề cập.  


 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.