Chi hội Nông dân kiểu mẫu buôn Ơi Hly: Nhiều việc làm thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 21-8, Hội Nông dân xã Ia Hiao (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã thành lập “Chi hội Nông dân kiểu mẫu” buôn Ơi Hly nhằm lan tỏa những cách làm hiệu quả, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Chi hội Nông dân buôn Ơi Hly có 80 hội viên. Thời gian qua, Ban Chấp hành Chi hội Nông dân buôn Ơi Hly đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tập tục lạc hậu, đổi mới phương thức sản xuất, xây dựng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nổi bật là mô hình “Vườn rau thân thiện” đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên trong buôn. Ban Chấp hành Chi hội vận động hội viên làm hàng rào, cải tạo đất làm vườn rau, vừa tạo cảnh quan, cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường, tăng thêm thu nhập. Hội viên triển khai thành công sẽ hướng dẫn cho các hội viên khác cùng làm. Những hội viên khó khăn được Chi hội hỗ trợ giống, phân bón. Từ 1-2 hội viên có vườn rau xanh, đến nay, Chi hội có 90% hộ hội viên triển khai mô hình này.

Ảnh: Hồng Thương
Mô hình "Vườn rau thân thiện" đang được triển khai ở nhiều địa phương của huyện Phú Thiện (Ảnh minh họa: Hồng Thương)

Với 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn đã trở thành thói quen lâu đời, không dễ thay đổi ở buôn Ơi Hly. Thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ Chi hội đã đến từng nhà để gặp gỡ tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, đến nay, buôn  Ơi Hly đã có 85% hộ gia đình di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đầu năm 2020, Chi hội nghề nghiệp “Chăn nuôi bò sinh sản” buôn Ơi Hly được thành lập với 32 hội viên. Chi hội tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng để hội viên chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi.

Chị Ksor H’Plih cho biết: Nhờ tham gia Chi hội nghề nghiệp, chị học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, cách phòng dịch bệnh cho đàn gia súc. Trước đây, gia đình chị thả rông gia súc. Sau khi được tuyên truyền, chị chuyển sang nuôi nhốt, vừa đỡ tốn công chăn thả, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Chị cũng được hướng dẫn trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

“Gia đình tôi đang nuôi 9 con bò. Bình quân mỗi năm bán được 2 con với giá trên 10 triệu đồng/con. Cùng với 1 ha lúa và 1 ha mì, gia đình tôi có thu nhập ổn định”-chị H’Plih chia sẻ.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Chi hội đã vận động 4 hội viên làm nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, vận động 85% hội viên thu gom rác thải, đào hố chứa, đốt rác đảm bảo vệ sinh. Trên tuyến đường tự quản, các hội viên trồng hoa, thường xuyên dọn vệ sinh, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp.

Cán bộ Chi hội phối hợp với cán bộ y tế tuyên truyền hội viên trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình đạt 100%, không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhờ vậy, cuối năm 2019, Chi hội Nông dân buôn Ơi Hly chỉ còn 3 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo.

Thắt chặt tình đoàn kết, tương thân tương ái

Tại hội nghị điển hình tiên tiến do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, mô hình “Tủ đồ từ thiện” do chị Lê Thị Thanh Tâm-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân buôn Ơi Hly đề xuất-được đánh giá cao. Nhằm giúp đỡ hội viên khó khăn, năm 2016, chị Tâm đã xây dựng “Tủ đồ từ thiện”.

Trước đây, chị Tâm thường tự đi quyên góp đồ gia dụng, quần áo cũ còn sử dụng được rồi mang đến cho các chị em hội viên nghèo. Nhận thấy còn nhiều chị em có đời sống khó khăn nên chị quyết định xây dựng “Tủ đồ từ thiện” để nhiều người cùng tham gia cho việc quyên góp, ủng hộ được nhiều hơn.

 Niềm vui của các em nhỏ khi đến xin sách giáo khoa tại “Tủ đồ từ thiện”. Ảnh: Nguyên Hương
Niềm vui của các em nhỏ khi đến xin sách giáo khoa tại “Tủ đồ từ thiện”. Ảnh: Nguyên Hương

Với sự chung tay của các thành viên trong Chi hội, số lượng vật dụng, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho các em học sinh chuyển về ngày càng nhiều. Nắm bắt được hoàn cảnh của từng hội viên khó khăn, chị Tâm cùng các chị em chia đồ thành từng bì nhỏ, ghi rõ họ tên, trao tận tay người nhận.

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, chị cùng các hội viên may hơn 500 chiếc khẩu trang tặng bà con nghèo. “Mình vốn là trẻ mồ côi nên đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Với suy nghĩ “cho đi là còn mãi”, mình hy vọng “Tủ đồ từ thiện” sẽ mang yêu thương đến với nhiều người”-chị Tâm trải lòng.

Bên cạnh đó, Chi hội Nông dân buôn Ơi Hly còn vận động hội viên đóng góp hơn 6 triệu đồng cho hội viên khó khăn vay để phát triển sản xuất. Chị Ksor H’Ploanh bộc bạch: “Nhà mình nghèo, được chị em thường xuyên mang cho quần áo, đồ dùng thiết yếu. Vừa qua, mình lại được cho vay 6 triệu đồng để mua 1 con bò làm giống. Vợ chồng mình sẽ làm lụng chăm chỉ để thoát nghèo”.

Đánh giá về mô hình “Chi hội nông dân kiểu mẫu” buôn Ơi Hly, bà Trần Thị Phương-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hiao-cho biết: Những kết quả mà Chi hội buôn Ơi Hly đạt được đã góp phần nâng cao đời sống hội viên, thắt chặt tình đoàn kết hội viên và dân làng. Đây sẽ là động lực để các chi hội trong xã học tập, thúc đẩy hoạt động hội ngày càng hiệu quả.

NGUYÊN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.