Những phụ nữ 'nặng gánh hai vai' ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là câu chuyện về những người phụ nữ ở Gia Lai có số phận không may trong cuộc sống. Họ phải gồng gánh trên đôi vai gầy guộc để kiếm miếng cơm manh áo. Dù chồng chất khó khăn nhưng họ vẫn nỗ lực để trở thành điểm tựa cho cả gia đình.
HẮT HIU PHẬN NGƯỜI
Những người phụ nữ tôi gặp đều có một hoàn cảnh riêng, người khốn khó, bệnh tật hành hạ, người mẹ góa con côi nhưng họ vẫn không ngừng nỗ lực.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nở (52 tuổi) nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở đường Đồng Tiến (phường Ia Kring, TP. Pleiku). Ngôi nhà xây cũ kỹ, mái tôn gỉ sét, tường loang lổ. Tiếp chuyện chúng tôi trong gian phòng khách bé tin hin, bà Nở ngậm ngùi: “10 năm trước, con trai đầu của tôi mắc bệnh thận. Dù đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình của nó ngày càng nặng, phải thường xuyên đến bệnh viện để lọc máu, lọc nước tiểu. Ít năm sau thì chồng tôi mắc chứng bệnh nan y gây phù nề, đau nhức xương khớp chẳng làm được gì. Kinh tế gia đình suy sụp từ đó. Chúng tôi phải bán đất, đồ đạc đã sắm trong nhà để có đủ tiền chữa bệnh cho chồng và con. Cứ một lần nằm viện là tốn vài chục triệu đồng”.
Cô Nở và con trai. Ảnh: N.T
Bà Nở và con trai. Ảnh: N.T
Ở làng Quả (xã Chư Á, TP. Pleiku) có một cảnh đời khác, đó là bà Huỳnh Thị Hoa (50 tuổi) gồng gánh nuôi 4 đứa con ăn học. Năm 2017, gia đình bà liên tiếp gặp tai ương. Chồng bà đột ngột qua đời vì tai biến; bản thân bà bị tai nạn giao thông khiến tay phải bị liệt. Dù đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng cánh tay của bà Hoa vẫn bị teo đi, không còn làm được việc gì.
Nghề chính của bà Hoa là phụ hồ ở các công trình xây dựng. Ngày trước, vợ chồng bà cùng đi làm với nhau. Chồng làm thợ xây, vợ phụ hồ. Khi có công trình, vợ chồng bà đi làm bất kể nơi đâu. Sau khi chồng mất, một mình bà vẫn tiếp tục nghề cũ. “Tôi làm nghề này 33 năm rồi. Trước đây, tôi đi khắp tỉnh, chỗ nào có công trình là đi. Nay chủ yếu làm ở TP. Pleiku và các huyện lân cận để có thời gian chăm đứa con út còn nhỏ tuổi. Nghề này cực nhưng tiền công không đến nỗi nào. Mấy anh em thấy mình góa bụa, đông con nên hay gọi đi làm cùng để có tiền nuôi con”-bà Hoa kể.
Bà Huỳnh Thị Hoa phụ hồ tại một công trình ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Ảnh: N.T
Bà Huỳnh Thị Hoa phụ hồ tại một công trình ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Ảnh: N.T
Một gia cảnh khốn khó khác là chị Mai Thị Liêm (43 tuổi, thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Hơn 10 năm trước, người chồng bỏ đi, chị Liêm một mình gồng gánh nuôi mẹ già mắc bệnh hở van tim, anh trai bị liệt nửa người và 2 con nhỏ. “Mẹ và anh trai bị bệnh tật nên phải bán hết ruộng vườn chạy chữa. Giờ chỉ còn một ngôi nhà cấp IV dột nát và 1 sào đất. Tôi phải đi làm thuê để có tiền nuôi mọi người. Đứa con gái đầu phải nghỉ học để thay mẹ chăm bà và cậu khi mẹ đi làm. Nhà còn nợ mấy chục triệu đồng chứ ít đâu”-chị Liêm than thở. 
MUÔN NẺO MƯU SINH
Khi chúng tôi ghé một công trình xây dựng ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai), bà Huỳnh Thị Hoa đang đảm nhiệm việc trộn vữa cho 3 thợ xây. Nắng như lửa đốt. Mồ hôi túa ra ướt những chiếc áo bảo hộ. Bỗng một tiếng kêu thất thanh phát ra sau tiếng loảng xoảng của các vật dụng kim loại va vào nhau. Một nhóm đàn ông đang xây tường rào cách đó khoảng 15 m vội vàng lao nhanh về nơi có tiếng kêu hoảng hốt. Họ đỡ bà Hoa đứng dậy và lật chiếc xe rùa chở đầy vữa đang nằm ngả nghiêng trên mặt đất dậy. Bộ áo quần và khuôn mặt của bà Hoa lấm đầy bụi đỏ. Nhanh tay phủi quần áo, bà Hoa ngại ngùng: “Trời nắng to và xe nhiều vữa quá nên tôi không nhìn thấy cục đá dưới đất. Tay đau cộng sức yếu nên tôi trụ không vững rồi ngã. Thỉnh thoảng cũng bị ngã như thế này, lỗi là do mình ham việc”.
Chị Liêm cũng nén nỗi buồn sâu trong mắt những lần thức trắng đêm bên giường bệnh chăm sóc người thân. “Tôi ở bệnh viện thường xuyên, đêm chỉ chợp mắt được chút rồi dậy lo cho mẹ, cho anh. Đi làm thuê được khoảng 150-200 ngàn đồng/ngày nhưng nằm viện thì tốn gấp đôi, gấp ba. Cũng may là trời phú cho sức khỏe để cày cuốc lo cho mọi người trong nhà”-chị Liêm thở dài.
Chị Liêm cùng mẹ bị bệnh tim và anh trai bị liệt nửa người. Ảnh: N.T
Chị Liêm cùng mẹ bị bệnh tim và anh trai bị liệt nửa người. Ảnh: N.T
Còn bà Nguyễn Thị Nở thì bảo rằng mình là “thợ đụng”. Khi thì bà đi làm phụ hồ xây dựng, khi thì làm dịch vụ nhà sạch, lúc đi bán vé số. Đưa tay gạt những giọt nước mắt chực chờ, bà Nở nghẹn ngào: “Tính ngày công đi làm của tôi là khoảng 50-200 ngàn đồng/ngày. Đi làm nhà sạch với phụ hồ, người thuê trả tiền đàng hoàng chứ đi bán vé số có khi bị giật mất. Hôm bị giật vé thì phải lấy tiền nhà bù cho người ta. Phận mình nó vậy, biết làm sao”.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.