Những tháng ngày nội trú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ấy là năm học 1979-1980, tôi được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pah điều động từ Trường PTCS Ia Grai vào tăng cường cho Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú-Vừa học Vừa làm của huyện.
Xin được nói thêm một chút là vào thời điểm này, hầu như các cơ quan của huyện đóng tại xã Ia Grai (nay là xã Ia Tô) đều đã chuyển xuống thị trấn huyện cách đó 16 km. Tại xã chỉ còn lại 3 đơn vị thuộc huyện là Trạm Vật tư Nông nghiệp, Bệnh viện, Cửa hàng Dược. Trường Vừa học Vừa làm vừa chuyển từ xã Ia Hrung lên, dùng chung cơ sở với trường nội trú, trong khi chờ xây dựng và chuyển xuống cơ sở mới tại thị trấn huyện. Thời điểm này, những giáo viên cấp II có trình độ Cao đẳng Sư phạm hệ chính quy như lứa Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn chúng tôi là… của hiếm, phần do hầu hết chúng tôi đều học hệ phổ thông 12 năm, khác với số giáo viên ngoài Bắc tăng cường vào phổ biến là hệ sư phạm 7+2 và 7+3.
  Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú-Vừa học Vừa làm huyện Chư Pah bấy giờ tọa lạc trên một khu đất rộng cả vài héc ta, cách khu dân cư thôn 3 của xã Ia Grai khoảng 700-800 m. Ngày ấy, cơ ngơi của trường thuộc vào hàng… đỉnh, bởi không chỉ có khu nội trú gồm bốn dãy nhà cấp 4, tường xây, lợp ngói khang trang, khu nhà ở giáo viên nhiều phòng, mỗi phòng rộng 10 m2, dãy phòng học cũng được xây dựng rất bài bản, kiên cố…
Hiệu trưởng nhà trường lúc này là anh Nguyễn Xuân Huệ, quê Hải Phòng, tăng cường vào Gia Lai sau năm 1975. Hệ vừa học vừa làm tiếng là cấp II nhưng chỉ có 2 lớp (lớp 6 và lớp 7). Tôi phụ trách các môn Xã hội, anh Hoàng Kim Lượng (quê Nghệ An, tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm Buôn Ma Thuột) dạy các môn Tự nhiên. Nhóm giáo viên cấp I của nội trú quê từ Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) vô đến Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) do Trường Trung học Sư phạm Gia Lai-Kon Tum ra tận nơi tuyển sinh gồm các cô: Hồng, Mão, Ngọ, Vinh, Nghiên và thầy giáo Nguyễn Trọng Nam người Hà Tĩnh. Trương Văn Bàn là kế toán nội trú. Nguyễn Hùng là kế toán bên vừa học vừa làm. Ngoài ra còn có đội ngũ nhân viên như y tá, cấp dưỡng; nói chung là đầy đủ một bộ khung đáp ứng mọi hoạt động của nhà trường. Trừ cô Vinh đã có gia đình, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên còn lại đều độc thân. Trường có sân bóng đá nên cứ sau mỗi buổi học chiều, thầy trò lại quần nhau trên sân đến tối mịt mới thôi.
Những năm ấy, học sinh cả nội trú và vừa học vừa làm đều được hưởng chế độ lương thực, thực phẩm cùng các mặt hàng thiết yếu khác. Các em học nội trú đều là học sinh dân tộc ít người và là con em các gia đình chính sách. Còn vừa học vừa làm thì phần lớn là học sinh kinh tế mới của các tỉnh ngoài Bắc vào như Hải Hưng (Hải Dương, Hưng Yên) và Hà Nam Ninh. Nhà trường nuôi được đàn heo nên cứ khoảng hơn tháng là lại gom tem phiếu chuyển cho thương nghiệp huyện và làm thịt ngay tại trường, không phải xuống thị trấn bắt về. Nguyễn Trọng Nam chuyên phụ trách khâu “xử lý” heo. Cánh giáo viên chúng tôi (đến nay thật thà khai) “hưởng ké” được tí lòng và tiết canh cải thiện cho bữa ăn thường xuyên đạm bạc. Rồi cứ khoảng vài ngày, đợi đêm xuống, Nam lại bắc thang trèo lên mái ngói dùng đèn pin soi bắt chim. Chẳng hiểu sao ngày ấy chim se sẻ về trường ngủ nhiều thế, ít nhất cũng được 5-7 con. Cắt vài giọt tiết cho vào rượu, còn thịt thì nấu xoong cháo loãng mấy anh em xì xụp. Vậy mà vui!
Riêng tôi, trừ lúc lên lớp dạy học nghiêm túc thì có lẽ do tính hăng hái, ham vui nên vào buổi tối sau giờ ôn bài, phòng tôi luôn có một số học sinh nam đến xem thầy đàn guitar và hát những ca khúc trữ tình. Đặc biệt cứ vào chủ nhật các em lại rủ thầy đi tát cá. Tất cả đều cởi trần, mặc quần đùi, cuốc đất, chặt cành cây be bờ làm đập chặn ngang con lạch nhỏ dẫn nước chảy ra suối Ia Tô. Sau đó thay phiên nhau dùng thùng, dùng cả mũ cối tát nước ra hai đầu bờ. Nước cạn đến lấp xấp mắt cá là các em đã mò bắt. Tôi không quen nên cứ chụp con cá nào cũng tuột khỏi tay, lại trượt ngã mặt mũi lấm lem. Cười vang. Một buổi tát cá ít thì chục con, nhiều cũng gần nửa bao cát. Vậy là thầy trò kéo nhau về. Các em ra suối làm cá, sau đó nấu một món độc nhất với muối hột, cà đắng, lá mì, thêm tí bột ngọt. Gạo thì các em mỗi đợt về thăm nhà vẫn mang thêm lên, nên một xoong cơm tú hụ mà thầy trò chén sạch.
Ngày cuối mùa khô, sau những cơn mưa đầu mùa, cánh đồng Ia Bẽ phía trước trường ngập nước. Đêm xuống, tiếng ếch nhái kêu vang. Các em lại rủ thầy đi soi. Chúng tìm đâu ra vài chiếc lốp xe đạp cũ, đốt lên, mặc cho khói ám mũi, cứ soi ánh lửa xuống mặt nước, hễ thấy nhấp nháy là chụp. Ếch, nhái, chẫu chàng, cua…  con gì cũng bắt! Về trường, thầy trò hì hục đến nửa đêm mới chế biến xong! 
Sau năm học đó, cả 2 trường đều chuyển xuống thị trấn huyện, riêng trường vừa học vừa làm hoạt động thêm mấy năm nữa rồi giải thể. Cách đây 2 năm, tôi có dịp đi ngang trường cũ, khung cảnh hoàn toàn đổi khác, nhìn kỹ mới thấy dấu tích nền móng xưa giữa vườn điều xanh tốt. Lứa học trò năm ấy đến nay đã bước qua tuổi “tri thiên mệnh”, nhiều em là cán bộ lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành của địa phương và hầu hết đều đã lên ông, lên bà. Năm ngoái, các em có tổ chức họp trường, mời chúng tôi về dự, thầy trò ôn lại kỷ niệm xưa, nhắc những đêm soi ếch, bắt cá mà cười ngặt nghẽo…
Nhớ lại những tháng ngày nội trú, một thời tuy khổ nhưng thật vui!
 THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.