Nhức nhối tình trạng sử dụng rượu bia tham gia giao thông ở nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tạp chí GTVT - Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình TNGT ở nông thôn đang có chiều hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do ý thức tham gia giao thông của tầng lớp thanh niên rất kém, chạy xe độ chế, đua xe, nghiêm trọng hơn là việc gia tăng người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Gia Lai, riêng trong ngày 31/5/2019 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ TNGT làm 8 người thương vong. Cụ thể, vào khoảng 20 giờ tại ngã ba đường liên xã Ia Băng (huyện Đak Đoa), anh Lâm điều khiển xe máy BKS 81B-027.46, trên xe chở thêm hai người là Phúc (sinh năm 2005, trú làng Ia Hét) và Ginh (sinh năm 2000, trú tại làng Ghè, xã Trang) lưu thông từ đường nhánh ra đường liên xã. Đang đi trên đường thì xe của anh Lâm va chạm với ông Doãn Đình Hân (sinh năm 1966, trú tại xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) điều khiển xe tải BKS 81C-02746 lưu thông hướng xã Ia Băng đi tuyến QL14. Hậu quả, 3 người ngồi trên xe máy đều bị thương, anh Lâm tử vong một ngày sau đó tại bệnh viện. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh Lâm không nhường đường cho phương tiện lưu thông trên đường ưu tiên.
Vụ tai nạn giữa xe máy và ô tô sau khi sử dụng rượu bia tại làng Tuếk, xã Đak Tơver, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai ngày 31-5-2019
Vụ tai nạn giữa xe máy và ô tô sau khi sử dụng rượu bia tại làng Tuếk, xã Đak Tơver, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai ngày 31-5-2019
Trước đó vài giờ trên địa bàn làng Tuếk, xã Đak Tơver, huyện Chư Pah, anh Đinh Chân (sinh năm 1996, trú tại làng Hde, xã Đak Tơver) điều khiển xe máy không có biển số lưu thông hướng huyện Chư Pah đi huyện Đak Đoa. Khi xe đến địa điểm trên thì va chạm với xe máy do ông Đinh Kiêu (sinh năm 1960, trú tại làng Om, xã Đak Tơver) điều khiển chở theo sau người vợ tên là Hrưih (sinh năm 1968) lưu thông theo hướng ngược lại. Cú va chạm khiến ông Đinh Kiêu chết tại chỗ, bà Hrưih chết khi cấp cứu tại bệnh viện, anh Chân bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh Chân điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, đi không đúng phần đường nên gây ra tai nạn.
Một vụ tai nạn khác xảy ra tại km1645+427 đường Hồ Chí Minh, thuộc thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh. Sau khi sử dụng rượu bia, Rah Lan Ku (sinh năm 1997, trú tại thôn Tong Yong, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) điều khiển xe máy BKS 81S1-130.36 chở theo chị Rmah Di (sinh năm 2000, trú tại thôn Tong Yong, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) và Rơ Lan Suên (sinh năm 2000, trú tại thôn Lũh Yố, xã Ia Hrú, Chư Pưh) lưu thông hướng Gia Lai - Đắk Lắk, đến vị trí trên tông vào bà Nguyễn Thị Toàn (sinh năm 1942) và bà Trần Thị Nuôi (sinh năm 1933), cả hai cùng trú tại thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh đang đi bộ qua đường. Hậu quả: Bà Trần Thị Nuôi chết tại chỗ, bà Nguyễn Thị Toàn chết trên đường đi cấp cứu, Rah Lan Ku bị thương đang điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Có thể thấy rằng, tình trạng sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện và xe “hết đát”, độ chế lưu thông ở khu vực nông thôn, miền núi đang diễn ra phổ biến. Ông Ksor Bon - Trưởng Công an xã Ia Der cho biết: “Xã Ia Der là một xã có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, lại ở gần TP. Pleiku nên tình hình ATGT và trật tự xã hội rất phức tạp. Cụ thể, từ khoảng thời gian từ 21 giờ đến 0 giờ hàng ngày, các thanh niên trong làng thường tụ tập thành từng nhóm tại các ngã ba, ngã tư. Cũng từ đây đã phát sinh ra các hoạt động đua xe, nẹt bô... Đặc biệt, các thanh niên trong làng thường xích mích với thanh niên thành phố và gây gổ đánh nhau, gây mất trật tự xã hội”.
“Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, vào “khung giờ nóng” chúng tôi thường mật phục đi tuần tra dọc theo Tỉnh lộ 644 đoạn qua xã. Qua đó, đối với những thanh niên tụ tập thì nhắc nhở về nhà, còn đối với các đối tượng quá khích thực hiện đua xe, đánh nhau thì chúng tôi lập hồ sơ giao cho Công an huyện Ia Grai xử lý… Tỉ lệ các thanh niên sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, đặc biệt là sử dụng xe độ chế đang còn cao. Hiện nay, chính quyền đang tăng cường tuyên truyền tại các buổi họp thôn, làng và phối hợp với đoàn thanh niên nhằm giúp cho thanh niên đồng bào thiểu số nhận thức đầy đủ hơn khi tham gia giao thông”, ông Bon cho biết thêm.
Trung tá Trần Dũng Sĩ (Đội trưởng Đội Giao thông, Công an huyện Ia Grai) cho biết: “Tình trạng mất ATGT trên địa bàn huyện, đặc biệt tại xã Ia Der cũng tương đối ổn định. Đối với tình trạng đua xe, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông cũng được giảm nhiều so với năm 2018. Tuy nhiên, vấn nạn sử dụng rượu bia của thanh niên người dân tộc thiểu số vẫn còn cao, hiện nay lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tăng cường kiểm tra, triển khai quyết liệt các giải pháp cụ thể.
Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay tuy giảm sâu cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra, số người chết vì TNGT vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt, tình trạng sau khi sử dụng rượu bia tham gia giao thông gây tai nạn đang có chiều hướng gia tăng.
Tính từ những tháng đầu năm 2019 (số liệu thống kê đến ngày 31/5/2019), toàn tỉnh xảy ra 173 vụ, làm chết 118 người, bị thương 171 người. Trong đó, TNGT liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số có 82/173 vụ (chiếm 47,40%), làm chết 55/118 người (46,61%), bị thương 76/171 người (44,44%). Mức độ gây hậu quả: 68 vụ va chạm giao thông, ít nghiêm trọng (chiếm tỷ trọng 39,31% trên tổng số vụ TNGT); 93 vụ nghiêm trọng (chiếm 53,76%), 10 vụ rất nghiêm trọng (chiếm 5,78%), 02 vụ đặc biệt nghiêm trọng (chiếm 1,16%). Trong 12 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đã làm chết 26 người, bị thương 9 người; so với cùng kỳ năm 2018 giảm 14,29% số vụ (12/14, giảm 02 vụ), giảm 13,33% số người chết (26/30 người, giảm 4 người), giảm 35,71% số người bị thương (9/14, giảm 5 người).
Số liệu từ Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Gia Lai, nguyên nhân xảy ra do sử dụng rượu bia có 7 vụ tai nạn (chiếm 4,07%). Thời gian xảy ra tai nạn thường từ 17 giờ đến 22 giờ (chiếm 46,20%); từ 11 giờ đến 17 giờ (chiếm 26,90%); từ 5 giờ đến 11 giờ (chiếm 14,62%); từ 22 giờ đến 5 giờ (chiếm 12,28%). Trong đó, TNGT xảy ra vào các ngày lễ, Tết và ngày nghỉ cuối tuần chiếm 41,52%
Theo PHẠM TRỌNG NGHỊ/Tạp chí GTVT

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.