Có một cung đường dễ bị "lãng quên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như một quán tính, người ở mạn Kon Tum (và từ phía Bắc vào) đi về hướng An Khê, Bình Định thường xuôi theo đường 14, vào TP. Pleiku, rồi theo đường 19 vòng ngang thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) để tiếp tục về xuôi. “Thói quen” lâu ngày ấy khiến mọi người “lãng quên” mất một cung đường giúp rút ngắn trên 20 cây số lộ trình.

Cung đường ấy là quốc lộ 19D. Km 0 của đường 19D đóng tại Km 134 của quốc lộ 19 từ Bình Định lên, ngay trung tâm thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) và kết thúc ở Km 14+500 tại ngã ba Trà Huỳnh, nơi tiếp vào quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh), thuộc địa phận làng Tơ Vơn (xã Ia Khươl, huyện Chư Pah).

 

Một đoạn quốc lộ 19D đã được sửa chữa. Ảnh: internet
Một đoạn quốc lộ 19D đã được sửa chữa. Ảnh: internet

Nhiều người gọi vui rằng đó là “cung đường bị lãng quên”, bởi cánh xe hàng, xe khách phải theo quốc lộ 14 vòng ngang Pleiku đông đúc, sầm uất rồi về xuôi mới có khách, có hàng, chứ đường 19D luôn vắng khách thưa hàng thì làm sao “sống” nổi! Còn người đi bằng phương tiện cá nhân thì luôn nghĩ rằng đường còn xấu, khó đi và hoang vắng như những năm về trước.

Nay thì cung đường ấy không như mọi người “tưởng” nữa! Đường đã được nắn sửa, mở rộng, trải cấp phối nhựa đường, cảnh sắc phong quang. Tôi là người thường xuyên theo lối này để về quê Bình Định từ khi nó còn là đường đất, rất xấu, lầm bụi mùa nắng, trơn trượt mùa mưa, le lùm vươn lấn.

Là đường miền núi, nhưng quốc lộ 19D không có nhiều dốc đèo nào đáng kể, chỉ uốn lượn quanh theo các sườn đồi núi đã được canh tác thành những khuôn vườn rẫy rộng, ngang qua các buôn làng Bahnar, Jrai, ít có cửa hàng cửa hiệu bán buôn hay làm dịch vụ dọc đường, lưu lượng xe cộ qua lại ít khiến người đi có cảm giác hoang vắng. Thật ra thì đường không đến nỗi hoang vắng lắm. Từ Km 0, nội ô thị trấn Kon Dơng kéo đến Km 02 thì đột ngột bắt vào đoạn đường chỉ ngang qua các khu vườn rẫy, thưa vắng nhà cửa, đến Km 10 mới gặp trung tâm xã Hải Yang, một thị tứ rất đông đúc, bán buôn sầm uất, kéo dài vài cây số; rồi từ đây đến Km 22 lại một chặng đường thưa vắng cửa nhà, cũng chỉ băng qua các khuôn vườn rẫy. Tuy đến trên 20 cây số thưa thớt dân cư, nhưng bù lại tại nửa đường này rất dễ gặp “bạn đồng hành”, là người và xe xuôi ngược giao thương thường xuyên giữa 2 trung tâm phố thị Kon Dơng-Hải Yang.

Ngược lại với nửa đường trước, nửa đường tiếp theo bắt đầu từ Km 22 đến Km 45,5 thì gần như “dày đặc” các làng, xã. Lần lượt là: làng Đê Đoa, làng Đê Tul, thôn 18 của xã Đak Sơ Mei, trung tâm xã Đak Sơ Mei, làng Đê Gôh, làng Adroch, làng Krăh, làng Om, làng Mor, làng Tuêk, trung tâm xã Đak Tơ Ve, làng Klên, làng Tơ Ver, làng Kach, làng Tơ Vơn (ngã ba Trà Huỳnh). Tính bình quân cứ 1,5 km là có một tụ điểm dân cư. Với khoảng cách ấy, có gì mà cô độc!

Có thể nói đây là một trong những lối đi đã có mặt từ rất sớm trên địa bàn khu vực gắn với những sự kiện đáng kể lại. Xin dẫn một sự kiện cách đây trên 130 năm.

Theo tư liệu “Mở đạo Kon Tum”(cơ sở in Quy Nhơn, 1933) thì vào năm 1884 đã có lối đi này rồi, qua sự kiện công sứ Bình Định đi lên trung tâm truyền giáo “Xứ Ba-na” theo lối này. Sách viết: “Quan sứ Quy Nhơn tên là Navelle tỏ ý muốn đi theo cha Hương lên viếng xứ Mọi. Đức Cha bằng lòng và định tháng 11 năm 1884 sẽ ra đi (…). Cả hai đi đường bằng yên cho đến Kontơng (tức Kon Dơng-N.V) gặp cha Bề trên Truyền (…). Cả ba gặp nhau rất vui mừng, đoạn băng rừng trèo ải cho đến Touer…”. Rồi chuyến trở lại Quy Nhơn, cũng trên đường này, Naven đã bị bà con Jrai chặn đánh, như sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai viết: “Ngày 6-1-1885, trên đường từ Pleiku về Quy Nhơn, toán quân của Naven bị người Jrai chặn đánh tại làng Tơwer, giết chết 1 thủ hạ và làm 9 lính bị thương. Naven rất vất vả, 5 ngày sau mới trở về Bình Định”. Cuối trang có chú thích về làng Tơwer: “Có tài liệu ghi là làng Tio hay Touer, nay thuộc xã Tơwer huyện Chư Pah”.

… Vậy là mỗi năm đôi lần, tôi đã ngang “địa điểm lịch sử” ấy! Và mỗi lúc một mình phăm phăm xe máy trên đường 19D, tôi cứ thầm nghĩ: Giá như chỗ ngã ba Trà Huỳnh được quy hoạch thành thị trấn hoặc thị tứ đông đúc và dọc đường có thêm nhiều tụ điểm dân cư, cơ sở doanh nghiệp nữa thì lưu lượng người xe trên đường 19D sẽ nhộn nhịp hơn rất nhiều.

Tạ Văn Sĩ

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.