Vai trò tổ chức thanh niên trong Cách mạng Tháng Tám ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước năm 1945, tại Gia Lai nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung chưa có tổ chức Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, mặc dù có một số đảng viên cộng sản đã có mặt ở đây, hoạt động trong các đồn điền của Pháp và một số bị địch giam cầm trong các nhà lao, căng an trí. Tuy vậy, các phong trào yêu nước ở địa phương luôn sôi động, các cuộc đấu tranh chống Pháp, Nhật của đồng bào Kinh cũng như dân tộc thiểu số đang có những tiến triển mới, từ đấu tranh đơn lẻ, tự phát đến liên kết nhau dưới nhiều hình thức trong các đồn điền, thị xã, vùng ven.

Đầu tháng 3-1945, tình hình trong nước biến chuyển nhanh chóng, khi Nhật đảo chính Pháp và độc chiếm Đông Dương, Đảng ta đã mở hội nghị tại Bắc Ninh và có chỉ thị: Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta; đồng thời chỉ rõ kẻ thù trước mắt và cụ thể lúc này của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật và phát động phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhằm vào kẻ thù mới, chuẩn bị các điều kiện và chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Ở Gia Lai, sau ngày 9-3-1945, lính Nhật từ phía đèo An Khê kéo về thị xã Pleiku, chúng vây bắt bọn Pháp ở các công sở, đồn điền và nhanh chóng làm chủ tình hình đô thị và vùng ven. Phát xít Nhật đã dựng lên bộ máy cai trị bù nhìn tay sai từ tỉnh đến các làng xã. “Tên Công sứ Pháp Guillot, tên chủ sở cẩm (sở cảnh sát) và một số tên trong chính quyền Pháp bị Nhật tập trung đưa về Nha Trang (Khánh Hòa). Quản đạo Gia Lai-Nguyễn Hữu Nhơn được Nhật cho làm Tỉnh trưởng Pleiku. Cả hai khu vực người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số đặt dưới sự kiểm soát của hiến binh Nhật do tên sĩ quan Đông Hưng chỉ huy. Một số lính người dân tộc thiểu số bỏ chạy về làng mang theo cả súng đạn. Lực lượng lính khố xanh người Kinh, Nhật đổi thành bảo an binh. Các đồn điền, công sở, Nhật đưa những viên chức người Kinh thay thế các vị trí người Pháp trước đó. Thừa phái Phan Sĩ Sàng ở tỉnh Bình Định được Nhật bố trí làm Tri huyện An Khê. Huyện Cheo Reo, Chư Ty do các tên đồn trưởng bảo an binh ở đó trực tiếp quản lý về mặt quân sự và cơ quan hành chính địa phương. Ở các làng người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu và ven thị xã, bộ máy cai trị nha lại, chủ làng, Phát xít Nhật vẫn giữ nguyên” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945-2005-Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia- trang 107).

Trong lúc kẻ thù đang loay hoay tìm mọi đối sách để chống đỡ với phong trào kháng Nhật của nhân dân thì ở một số tỉnh đồng bằng miền Trung, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Việt Minh, quần chúng đã nổi dậy dưới nhiều hình thức đã làm cho kẻ thù hoang mang, dao động; đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) giành được thắng lợi, gây tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Tại Gia Lai, tuy lúc này nguồn thông tin về các phong trào cách mạng các nơi có bị hạn chế, nhưng qua cuộc tiếp xúc với nhóm tù chính trị được trả tự do từ Đak Glei, Kon Tum trở về Quy Nhơn, có ghé lại thị xã Pleiku và thị trấn An Khê, số thanh niên, trí thức yêu nước, tiến bộ ở nơi đây được các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước trao đổi, nhận định tình hình trong nước, đồng thời gợi ý một số phương hướng đấu tranh với địch… đã tiếp sức và tạo được niềm tin đối với quần chúng ở địa phương.

Sau cuộc hội ngộ với đoàn tù chính trị, tinh thần của một số thanh niên, trí thức ở Pleiku và An Khê đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động. Họ lần lượt có kế hoạch tập hợp thanh niên ở các tầng lớp trong vùng nội và ngoại ô, các đồn điền hoạt động dưới các hình thức xã hội tiến bộ, xây dựng nếp sống lành mạnh, vui tươi và chống lại những tệ nạn, thói hư tật xấu, chống bọn tham quan ô lại. Tháng 4-1945, một số viên chức, trí thức trẻ ở thị xã Pleiku công bố thành lập Đoàn Thanh niên Gia Lai, do anh Trần Ngọc Vỹ làm Đoàn trưởng, anh Nguyễn Đường, làm Phó Đoàn trưởng và các ủy viên: Dương Thành Đạt, Phan Bá, Trương Khôi. Tiếp sau đó một tháng (5-1945), Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê cũng được thành lập với những thanh niên ưu tú như: Đỗ Trạc, Trần Thông, Trần Sanh, Lý Bính. Và tháng 6-1945, Đoàn Thanh niên Cheo Reo hình thành, tập hợp những thanh niên dân tộc thiểu số tiến bộ, dưới sự dẫn dắt của các viên chức trẻ, thầy giáo như : Nay Phin, Rơ Chăm Briu.

Phong trào thanh niên khắp nơi trong tỉnh đã có nhiều hoạt động mạnh mẽ và được nhân dân ủng hộ khiến bọn địch lo lắng và tìm cách đối phó, đe dọa, gây áp lực. Tuy nhiên, trước khí thế của phong trào cách mạng cả nước đang sục sôi, một số tổ chức thanh niên đã tiếp cận được tài liệu, chương trình, điều lệ của Việt Minh nên đã xác định được phương hướng hành động khi thời cơ cho phép. Trong khi đó, khí thế của đồng bào các dân tộc ở thành thị, nông thôn, công nhân các đồn điền dù chưa có sự thống nhất lãnh đạo nhưng họ sẵn sàng vùng lên chống kẻ thù chung, phá ách nô lệ, đã thúc giục các tổ chức thanh niên ở Gia Lai càng nuôi quyết tâm nổi dậy đánh đuổi ngoại xâm, cùng với cả nước khởi nghĩa giành chính quyền.

Nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, Đại hội Quốc dân Tân Trào (khai mạc ngày 16-8-1945), nhận định thời cơ đã chín muồi và nhất trí chủ trương Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Ở Gia Lai bấy giờ, bộ máy cai trị của địch hoàn toàn bị tê liệt, nhân dân đã ngả về phía các tổ chức thanh niên yêu nước. Chớp thời cơ, ngày 20-8-1945, Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê đã phát động quần chúng nổi dậy chiếm huyện lỵ, bắt lực lượng bảo an giao nộp vũ khí cho quân khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, và lập UBND cách mạng lâm thời của huyện, gồm có các ông: Trần Sanh, Bùi Thế Viện, Đỗ Trạc, Trần Thông. Ở thị xã Pleiku, lãnh đạo Đoàn Thanh niên Gia Lai nhận được điện của Việt Minh Bình Định ngày 22-8-1945 và khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng 23-8-1945, các đoàn biểu tình của công nhân các đồn điền Bàu Cạn, Đak Đoa, nông dân các vùng ven đã giương cao cờ đỏ sao vàng kéo về mít tinh trước Tòa Công sứ rồi tuần hành biểu dương lực lượng trên khắp đường phố chính thị xã. Khoảng l vạn quần chúng nhân dân các dân tộc dưới sự dẫn dắt của Đoàn Thanh niên Gia Lai đã tập trung tại Sân Vận động thị xã trong buổi sáng hôm đó, ông Trần Ngọc Vỹ, đại diện các lực lượng quần chúng khởi nghĩa đã tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai thân Nhật và thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Đến ngày 25-8-1945, Đoàn Thanh niên Cheo Reo được sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân trong huyện đã chiếm huyện lỵ, làm chủ tình hình. Đến đầu tháng 9-1945, chính quyền cách mạng huyện Cheo Reo được thành lập, do ông Nay Phin làm Chủ tịch, cùng với 5 ủy viên khác là những thanh niên, trí thức người dân tộc thiểu số yêu nước.

Chỉ trong vòng 10 ngày, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức thanh niên yêu nước ở Gia Lai, đồng thời nghe theo lời hiệu triệu của Việt Minh, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã hồ hởi vùng lên lật đổ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền cách mạng, tái thiết cuộc sống mới độc lập-tự do. Lực lượng nòng cốt trong các tổ chức thanh niên địa phương bấy giờ hầu hết đã trở thành những người lãnh đạo trong chính quyền mới và trong số đó không ít người đã giác ngộ đi theo Đảng, trở thành người lãnh đạo trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.