Đại hội lần thứ XI của Đảng sẽ thành công tốt đẹp!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trò chuyện với phóng viên Báo Gia Lai trước ngày ra thủ đô Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông Nguyễn Quốc Dũng phấn khởi nói: “Được tham dự Đại hội là vinh dự lớn của bản thân và tôi tin rằng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng
Ông Nguyễn Quốc Dũng
Là một trong 15 đại biểu đại diện cho Đảng bộ tỉnh tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, vấn đề ông Dũng quan tâm và đặt kỳ vọng nhiều nhất vào Đại hội chính là những quyết sách đảm bảo an ninh khu vực biên giới, chuyển rừng nghèo sang trồng cao su.
Thực tế trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chủ động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, vấn đề xây dựng, củng cố, thắt chặt mối quan hệ giữa huyện Chư Prông và huyện Ôzađao (Campuchia) luôn được giữ vững. Thông qua mối quan hệ hợp tác này, hai địa phương đã xây dựng kế hoạch phối- kết hợp chặt chẽ triển khai công tác tuần tra, kiểm soát trên toàn tuyến biên giới dài 42 km, chủ động nắm chặt diễn biến tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội vùng nội biên, chống tình trạng xâm nhập, vượt biên.
Bên cạnh đó là sự phối hợp quản lý phần diện tích rừng giữa hai khu vực không để lâm tặc lợi dụng chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su để khai thác rừng trái phép, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội khu vực các xã biên giới nói riêng, địa bàn huyện vùng biên Chư Prông nói chung luôn được giữ vững.
Nói về giải pháp đảm bảo tốt vấn đề an ninh vùng biên giới huyện Chư Prông thời gian tới, ông Dũng mong muốn Trung ương Đảng, Chính phủ quan tâm và sớm thực hiện việc chia tách huyện Chư Prông, thành lập huyện mới. Cùng với đó là xây dựng mạng lưới giao thông cho các xã vùng biên, đặc biệt là quan tâm đầu tư, hoàn thiện tỉnh lộ 663-đoạn từ ngã ba Phú Mỹ đến xã Ia Mơr làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội.
Tiếp tục quan tâm xây dựng cơ chế chính sách đầu tư mang tính đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã biên giới của huyện như: Ia Mơr, Ia Puch; trong đó chú trọng đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, giống mới… tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thắt chặt hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc.
Đối với việc tổ chức thực hiện chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, theo ông Dũng chủ trương trên là đúng đắn và được thực hiện đúng lộ trình. Tuy vậy, để đạt hiệu quả cao hơn thì cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa quá trình thực hiện từ phía cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân và đầu tư, hỗ trợ trên lĩnh vực an sinh xã hội từ các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có cơ chế hỗ trợ hạ tầng cơ sở, chính sách đầu tư đặc thù với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su.
    Quang Văn (lược ghi)