Cần thống nhất số liệu đại biểu tham dự Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku năm 1946

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 1946, Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Nam họp tại Pleiku đã vinh dự đón nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với các DTTS Tây Nguyên, bức thư là sợi dây đặc biệt, có giá trị kết nối, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, nhiều tài liệu lịch sử đã viết không thống nhất về ít nhất một chi tiết trong sự kiện này.

Trong hoàn cảnh đặc biệt của nước ta khi ấy, ngày 19-4-1946, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội các DTTS miền Nam họp tại Pleiku. Trong thư, Bác khẳng định các dân tộc anh em trên đất Việt Nam là một khối thống nhất: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Không quên nhắc nhở các dân tộc anh em phải đề phòng trước âm mưu gây chia rẽ, mất đoàn kết của thực dân Pháp, Người viết: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”. Cuối thư, Bác kêu gọi các dân tộc đoàn kết “góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các DTTS miền Nam được khắc trên khối đá lớn, đặt trang trọng trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ


Theo các tài liệu được phổ biến rộng rãi nhiều chục năm qua, sự kiện trọng đại này ghi tên 2 người Jrai ưu tú của tỉnh Gia Lai. Họ cũng chính là những chứng nhân ở Tây Nguyên, giúp làm sáng tỏ nhiều chi tiết liên quan đến giai đoạn lịch sử này. Đó là ông Nay Phin và ông Ksor Ní (đều đã qua đời). Ông Nay Phin là đại biểu Quốc hội khóa I, khi đó mới 27 tuổi, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Gia Lai. Ông cũng là người dịch thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc mình, trong sự kiện trên. Ông Ksor Ní, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, khi đó 21 tuổi, là người đã tham dự cuộc họp mặt này. Sau Đại hội, ông Ksor Ní có sáng tác một bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh, văn bản có thủ bút của ông từng được giới thiệu trên báo Gia Lai.

Đáng ngạc nhiên, số lượng người tham dự sự kiện nêu trên được sách báo, tài liệu (gồm cả một số sách lịch sử mới xuất bản gần đây) viết chưa thống nhất. Chúng tôi xin nêu một số ví dụ:

Các sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005)” do Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm chủ biên; “Lịch sử Đảng bộ thành phố Pleiku (1945-2005)” do ông Đỗ Hằng chủ biên; “Lịch sử Đảng bộ huyện Chư Prông (1945-2010)” do ông Lê Phan Lương chủ biên, tuy không dẫn nguồn nhưng đều cho rằng số lượng người tham dự sự kiện này là hơn 1.000.

Tương tự như vậy, một số cuốn sách do 2 tiến sĩ sử học hiện đang sống tại Gia Lai là Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Thị Kim Vân chủ biên như: “Lịch sử Đảng bộ huyện Ia Grai (1945-2005)”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Ia Pa (1945-2012)”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Chư Păh (1945-2012)”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Kbang (1945-2015)” cũng đều ghi số đại biểu có mặt tại Đại hội các DTTS miền Nam họp tại Pleiku năm 1946 là trên 1.000 vị.

Tuy nhiên, năm 2019, khi xuất bản cuốn “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến năm 1975”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân với tư cách chủ biên sách này đã công bố một con số khác về số lượng đại biểu. Theo đó, dẫn tài liệu viết tay của nhân chứng Nay Phin được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân thông tin: Có “khoảng 500 người tham dự, bao gồm đại biểu các dân tộc Tây Nguyên và miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ”.

Trước đó, năm 2016, trong một hội thảo khoa học do Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức tại Pleiku, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến mặc dù không dẫn nguồn nhưng cũng công bố một con số khác về chi tiết đang bàn: “hơn 500 người tham dự”. Tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến sau này được tập hợp trong cuốn sách in năm 2017, dưới tiêu đề “70 năm Ngày Bác Hồ gửi thư Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku (19/4/1946-19/4/2016)”.

Phân vân trước 2 con số: hơn 1.000 hay trên 500 đại biểu tham gia sự kiện trên, chúng tôi tiếp tục khảo sát và bất ngờ bắt gặp một thông tin khác liên quan. Theo đó, sách “Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam”, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2009, tại mục từ “Ngày 19-4” của năm 1946, cho biết: Có “trên 400 đại biểu các dân tộc đến dự” đại hội đã nêu.

Vậy, 1.000, 500 hay 400 đại biểu từng tham dự Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku năm 1946? Rõ ràng là đã và đang có hiện tượng các tài liệu lịch sử viết không thống nhất.

Hơn 76 năm qua, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử. Đối với các DTTS Tây Nguyên, đây là một di sản đặc biệt đã và đang tiếp tục kết nối, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới. Trên tinh thần đó, để bổ sung và khẳng định thêm giá trị của sự kiện Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku năm 1946, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của địa phương sớm có giải pháp nhằm thống nhất thông tin số lượng đại biểu tham dự sự kiện này.

 

 NGUYỄN QUANG TUỆ

 

Có thể bạn quan tâm

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

(GLO)- Đoàn công tác của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai do bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay chính quyền, Mặt trận và các tổ chức xã hội tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.