Mặt trận và các đoàn thể ở Gia Lai:Đổi mới nội dung,phương thức hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 7-5, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội”. Các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.
Nhiều kết quả thiết thực
Báo cáo đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng cho rằng: Những năm qua, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 62-KL/TW và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhờ đó, nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp có nhiều chuyển biến tích cực; vai trò, vị trí của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn và ngày càng nâng cao. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội phát động được đông đảo nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc được tăng cường, phát huy.
 Quang cảnh hội nghị.  Ảnh: M.T
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: M.T
Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội đã tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào có ý nghĩa thiết thực gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Đặc biệt, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã xây dựng được 3.988 mô hình với 10.448 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Từ hiệu quả các mô hình này đã nhân rộng 282 mô hình đến với 9.737 hộ tham gia. Cuộc vận động đã giúp 8.243 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, góp phần quan trọng vào kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện nay xuống còn 10,04%. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với các phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”… cũng đã triển khai 3.133 công trình, phần việc với tổng trị giá trên 56,3 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa 245 căn nhà; làm mới và sửa chữa 800 km đường giao thông. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thực hiện 59,8 km “hàng rào xanh”, 53,2 km “con đường hoa”…
Cũng trong 10 năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; xây dựng và củng cố tổ chức; tình trạng hành chính hóa trong hoạt động dần được khắc phục; công tác tập hợp quần chúng vào tổ chức được chú trọng. Anh Lê Trọng Phúc-Bí thư Huyện Đoàn Đức Cơ-khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của huyện đã có bước phát triển vượt bậc. Một trong những điểm mạnh của Đoàn Thanh niên huyện Đức Cơ đó là đổi mới phương thức sinh hoạt của Đoàn-Hội qua việc thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích và nhu cầu. Kết quả, đã thành lập được 3 Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin, 1 Câu lạc bộ Tương lai xanh với các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội, giúp đỡ thanh-thiếu niên chậm tiến trên địa bàn; Câu lạc bộ cồng chiêng thanh-thiếu niên góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, việc đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp cũng được chú trọng triển khai với các hình thức như: hướng dẫn đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển sản xuất; phối hợp mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên; giúp nhau về nguồn vốn, kỹ thuật, nhân công nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững.
Theo ông Phạm Quang Duyệt-Trưởng ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn được đặc biệt quan tâm, luôn hướng về cơ sở, lấy hiệu quả phong trào thi đua, các cuộc vận động làm thước đo đánh giá hàng năm, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương. Đặc biệt, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội đã tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo nhiều chuyển biến trong nông nghiệp, giúp đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 357 hộ. Thị xã có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới như: mô hình “5 không, 3 sạch”, “con đường hoa”, “hàng rào xanh” “tổ tiết kiệm trong đồng bào dân tộc thiểu số”, “vui xuân tiết kiệm”…
Tập trung hướng về cơ sở
  Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng qua thực tiễn và yêu cầu của Kết luận số 62 đặt ra cho thấy, một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm chỉ đạo sâu sát đối với hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội; việc phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể chưa đồng bộ. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội còn chậm đổi mới so với yêu cầu nhiệm vụ; công tác tuyên truyền, vận động tổ chức các phong trào hành động chưa đi vào chiều sâu. Bà Phạm Thị Thúy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đak Pơ-cho rằng: Trình độ, năng lực và kỹ năng của cán bộ cấp cơ sở vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ khiến cho các phong trào chưa đi vào chiều sâu. Hơn nữa, nguồn lực tổ chức các hoạt động của hội, đoàn thể còn nhiều hạn chế gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Đoàn viên, thanh niên nạo vét công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Ảnh: Đ.T
Đoàn viên, thanh niên nạo vét công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Ảnh: Đ.T
Trong khi đó, ông Phạm Quang Duyệt nhận định: Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội vẫn còn biểu hiện hành chính hóa, thiếu chiều sâu, chưa thật sự hấp dẫn, lôi cuốn đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Việc xây dựng mô hình, điển hình trong các phong trào thi đua còn ít, có nơi rập khuôn và thiếu kiểm tra đôn đốc. Công tác xây dựng lực lượng nòng cốt trong cán bộ Đoàn, hội còn hạn chế; công tác giám sát, phản biện chưa đáp ứng yêu cầu.
Đánh giá về những tồn tại, hạn chế, Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn chỉ rõ: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của nội dung Kết luận số 62 nên chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản chỉ đạo mà thiếu đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, có hiện tượng “khoán trắng” cho Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Công tác giám sát, phản biện xã hội, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân chưa được quan tâm đúng mức...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn lưu ý cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh cần xem việc thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác hàng năm và là một trong những tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy. Đồng thời, nâng cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên đi đôi với phát huy tính năng động, sáng tạo của MTTQ và các đoàn thể. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy liên quan đến Mặt trận và các đoàn thể như: làm việc trực tiếp, giao ban định kỳ, tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận và phong trào thi đua yêu nước tại địa phương trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn nội dung hoạt động của các tổ chức với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng vào tổ chức; thực hiện hiệu quả phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực; kiện toàn tổ chức bộ máy khối MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục tăng cường công tác dân vận chính quyền để nâng cao hiệu quả công tác dân vận tại các cơ quan nhà nước các cấp...
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

(GLO)- Vào khoảng 13 giờ 20 ngày 18-4, đã xảy ra vụ cháy nhà người dân tại tổ 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku. Công an TP. Pleiku phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) nhanh chóng vào cuộc dập tắt đám cháy.
Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

(GLO)- Đoàn công tác của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai do bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay chính quyền, Mặt trận và các tổ chức xã hội tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.