Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong sáng như bầu trời không một gợn mây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 2-4/3/2018. 

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ Hà Minh Huệ, người đã có nhiều năm học tập, công tác, gắn bó với đất nước và nhân dân Ấn Độ đã có bài viết: "Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong sáng như bầu trời không một gợn mây".

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp ngài Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ nhân chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Việt Nam tháng 9/2016. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp ngài Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ nhân chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Việt Nam tháng 9/2016. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết này: 
Phát biểu tại cuộc míttinh lớn ở thủ đô New Dehli trong chuyến thăm Ấn Độ mùa Thu năm 1980, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Quan hệ Việt Nam- Ấn Độ trong sáng như bầu trời không một gợn mây” trong tiếng vỗ tay vang dội của không chỉ lãnh đạo mà của đông đảo tầng lớp nhân dân Ấn Độ. Câu đúc kết này của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gần 40 năm về trước về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn nguyên giá trị. 
Mối quan hệ trong sáng đó đã được thời gian thử thách và từ năm 2007 được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược, rồi đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, xứng tầm với thực chất mối quan hệ của hai đất nước gắn bó với nhau bởi sự tương đồng về văn hóa cũng như lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc và có chung lợi ích vì hòa bình, phát triển; đồng thời phản ánh đúng nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước. 
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, dày công vun đắp và phát triển. Có thể nói, quan hệ giữa hai nước có lịch sử 2.000 năm gắn với sự du nhập của Phật giáo từ Ấn Độ tới Việt Nam. Sách cổ ghi nhận việc một nhà sư Ấn Độ đã đến lập am tu hành tại núi Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh vào thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Dấu ấn đạo Hindu của Ấn Độ trong những di tích Chàm ở miền Trung Việt Nam cũng là những minh chứng cho mối quan hệ này. 
Đến thời hiện đại, từ những năm 50 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị sâu sắc bền chặt qua những chuyến thăm, tiếp xúc vượt qua cả nghi lễ ngoại giao. Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Nehru trở thành chính khách nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam vào tháng 10/1954. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ tháng 2/1958, để lại ấn tượng đặc biệt đối với bạn bè Ấn Độ. Kể từ đó, nhân dân Ấn Độ trở thành bạn bè truyền thống, tích cực ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc anh hùng của nhân dân Việt Nam. 
Ngày 7/1/1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, Ấn Độ và Việt Nam tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ bất chấp sức ép của các thế lực thù địch. Trong hơn 45 năm qua, hầu hết các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Ấn Độ, dù xuất thân từ chính đảng cầm quyền nào, với những quan điểm chính trị khác nhau, cũng đều có những bước đi thiết thực tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Các Tổng thống Rajendra Prasad, Pranab Mukherjee..., các Thủ tướng J.Nehru, Indira Gandhi, A.B. Vajpayee, Narendra Modi đã đến thăm Việt Nam với những thông điệp hòa bình. 
Các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam xuất phát từ sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, đều thực hiện các chuyên thăm chính thức tới Ấn Độ. Những chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều trở thành những dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Và trong những ngày từ 2 đến 4/3 tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ theo lời mời của Tổng thống Nath Kovind. 
Theo chương trình, Chủ tịch nước sẽ hội đàm với Tổng thống Kovind, Thủ tướng Modi và các nhà lãnh đạo Ấn Độ khác. Chủ tịch nước sẽ tham dự lễ khai mạc “Ngày Văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ”, có bài phát biểu về chính sách và gặp gỡ các học giả Ấn Độ. Tháp tùng Chủ tịch nước, các doanh nhân Việt Nam sẽ tham dự Diễn đàn doanh nghiệp hai nước. Song hành với những chuyến thăm cấp cao đó là những quyết định nâng tầm mối quan hệ vốn đã rất tốt đẹp và những thỏa thuận về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới. 
Năm 2017, hai nước đã tưng bừng kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (7/1/1972-7/1/2017), 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (7/2007-7/2017), một năm nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (9/2016-9/2017), là những dấu son quan trọng, đánh dấu một chặng đường phát triển bền vững và mở ra giai đoạn mới trong quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ chính trị tốt đẹp được thúc đẩy bằng mối quan hệ tăng cường trong thương mại-đầu tư, văn hóa-giáo dục, an ninh-quốc phòng... 
Ngày nay, Chính phủ Ấn Độ coi trọng quan hệ song phương với Việt Nam trong bối cảnh mới của chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ. 
Trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp đó, hoạt động đối ngoại nhân dân giữa hai nước thời gian qua không ngừng phát triển, góp phần thiết thực như chiếc cầu nối vào việc tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ được thành lập ngày 11 tháng 11 năm 1982. 
Từ đó đến nay, Hội đã củng cố đội ngũ hội viên, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu hợp tác về văn hóa, giáo dục và mở rộng mạng lưới bạn bè tại Ấn Độ. Ngay sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tháng 7/2007, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ cùng đối tác phía Ấn Độ là Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ (AIPSO) đã bàn bạc và thống nhất phối hợp tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân hàng năm luân phiên ở mỗi nước. 
Trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ và Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ, tối 24/1/2018, tại thủ đô New Delhi, Cộng hòa Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ và Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ, tối 24/1/2018, tại thủ đô New Delhi, Cộng hòa Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tính đến nay, hai bên đã tổ chức thành công 9 kỳ Liên hoan, và Liên hoan lần thứ 10 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm 2018. Các kỳ Liên hoan với nhiều hoạt động phong phú, tổ chức tại các địa phương khác nhau, thu hút sự tham gia đông đảo tầng lớp nhân dân, tạo cơ hội để nhân dân hai nước ôn lại những dấu mốc quan trọng, hiểu biết thêm về nhau, qua đó cùng triển khai các thỏa thuận cấp chính trị cấp cao. 
Trong số bạn bè tin cậy, Việt Nam duy trì quan hệ tốt đẹp với các đảng cộng sản và các đảng cánh tả Ấn Độ như Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít (CPI-M)..., là nòng cốt trong tổ chức AIPSO. 
Để kết thúc bài viết này, xin trích đăng phát biểu của Tổng thống Pranab Mukherjee trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2014 và câu nói rất ý nghĩa của Thủ tướng Narendra Modi trước khi sang thăm Việt Nam 9/2016. 
Tổng thống Mukherjee nói: “Việt Nam có Ấn Độ là một đối tác có thể trông cậy và tin cậy. Các tầng lớp nhân dân Ấn Độ, bất chấp có những khác biệt về quan điểm và liên kết chính trị, đều rất nhiệt thành ủng hộ quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng quan hệ của chúng ta sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ và mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ càng trở nên sâu sắc hơn và mở rộng hơn trong những năm tới. Tôi tin chắc rằng Ấn Độ và Việt Nam là hai nền kinh tế phát triển nhanh nhất của châu Á, sẽ bảo đảm sự ổn định và phát triển cho khu vực này và thế giới".
Còn Thủ tướng Modi, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí tại New Dehli trước thềm chuyến thăm chính thức tới Việt Nam tháng 9 năm 2016 đã nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam “trong sáng như bầu trời không một gợn mây”, đồng thời nhấn mạnh “Chúng ta có nhiệm vụ giúp hai nước và người dân hai nước làm giàu thêm vốn di sản giàu có này".
Đúng như vậy, trong khuôn khổ chuyến thăm đó, Ấn Độ và Việt Nam đã thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Theo TTXVN/Vietnam+ 

Có thể bạn quan tâm

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

(GLO)- Đoàn công tác của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai do bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay chính quyền, Mặt trận và các tổ chức xã hội tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.