Niềm tin tương lai của chủ nghĩa xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 170 năm, ngày 24-2-1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản-một văn kiện mang tính cương lĩnh, tác phẩm lý luận bất hủ do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo theo sự ủy nhiệm của Liên đoàn những người cộng sản đã được xuất bản tại Anh. Tóm lược tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chúng ta có thể rút ra một số luận điểm cơ bản sau đây:

Một là, Tuyên ngôn đã chỉ ra và lý giải rằng động lực chủ yếu trong tiến trình phát triển của các hình thái kinh tế xã hội chính là đấu tranh giai cấp. Khẳng định sự ra đời và phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đem lại những thành tựu rất lớn cho xã hội loài người. Tuy nhiên, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng được xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất…  Mâu thuẫn này biểu hiện về mặt chính trị thành mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản. Mâu thuẫn đó tất yếu dẫn đến cách mạng vô sản. Giai cấp vô sản nhất định sẽ chiến thắng, giành chính quyền để xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn xã hội tư bản chủ nghĩa.

 

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định với mục tiêu đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ảnh: internet
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định với mục tiêu đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ảnh: internet

Hai là, Tuyên ngôn khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản-đội tiên phong của giai cấp vô sản trong suốt quá trình lâu dài của sản xuất công nghiệp hiện đại và đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản để thực hiện sứ mạng lịch sử của mình.

Ba là, khẳng định cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo là cuộc cách mạng toàn diện nhất, triệt để nhất trong quá trình giải phóng nhân loại, giải phóng và phát triển toàn diện con người. Cùng với cách mạng về chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật thì cũng tiến hành cách mạng triệt để trong các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội.

Bốn là, phê phán các xu hướng tự xưng là “xã hội chủ nghĩa” nhưng mang tính chất phản động, tiêu cực và các xu hướng tiểu tư sản khác.

Năm là, tuyên bố thái độ rõ ràng, dứt khoát của Đảng Cộng sản với tất cả các đảng phái đối lập khác, thể hiện lập trường cách mạng triệt để, nhưng đoàn kết, hợp tác với tất cả các lực lượng chính trị tiến bộ để đạt mục tiêu giải phóng nhân loại.

Sự ra đời của Tuyên ngôn đánh dấu một bước tiến về chất, tạo ra bước ngoặt trong tiến trình phát triển tư tưởng của nhân loại về cải biến xã hội bằng hành động cách mạng. Tuyên ngôn là tác phẩm phổ biến nhất, có tính chất quốc tế nhất trong kho tàng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành cương lĩnh được thừa nhận bởi giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, là ngọn cờ tư tưởng, kim chỉ nam, biến “sức mạnh tư tưởng” trở thành “lực lượng vật chất” của phong trào cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Trong cuốn sách Thế giới phẳng, Thomas L.Friedman-một nhà báo, nhà bình luận chính trị về toàn cầu hóa đã viết về những dự báo thiên tài của Mác trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản như sau: “Sandel(1) khiến tôi hơi giật mình khi nhận xét rằng quá trình làm phẳng mà tôi đang mô tả thực ra đã được C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra lần đầu tiên trong cuốn Tuyên ngôn xuất bản năm 1848. Sandel cho rằng mặc dù sự thu hẹp và làm phẳng thế giới mà ta thấy ngày nay có đôi chút khác biệt về mức độ với những gì Mác chứng kiến ở thời của ông, nhưng nó cũng là một phần của xu hướng lịch sử tương tự mà Mác đã đề cập trong các tác phẩm của ông về chủ nghĩa tư bản-đó chính là dòng chảy của công nghệ và tư bản mà không sức mạnh nào ngăn cản được. Nó loại bỏ mọi rào cản, biên giới, trở lực và bó buộc đối với thương mại toàn cầu. Mác là một trong những người đầu tiên nhìn thấy khả năng thế giới trở thành một thị trường toàn cầu không bị hạn chế bởi các đường biên giới quốc gia. Sandel giải thích: “Mác là người chỉ trích mạnh mẽ nhất chủ nghĩa tư bản, song ông cũng phát hiện ra sức mạnh đáng sợ của nó trong việc phá vỡ các rào cản và tạo ra một hệ thống sản xuất và tiêu thụ toàn cầu. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, ông đã mô tả chủ nghĩa tư bản như một lực lượng sẽ làm tan rã tất cả các thực thể phong kiến, dân tộc và tôn giáo, khai sinh ra một nền văn minh phổ quát bị chi phối bởi các mệnh lệnh của thị trường. Mác cho rằng tư bản chắc chắn sẽ thực hiện được điều ấy, một cách tất yếu và cũng đáng mong muốn. Mác cho rằng: “Bởi một khi chủ nghĩa tư bản đã phá hủy lòng trung thành dân tộc và tôn giáo, nó sẽ bóc trần toàn bộ cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động. Buộc phải cạnh tranh trong một cuộc đua toàn cầu đến cùng kiệt, những người lao động trên thế giới sẽ liên hiệp lại trong một cuộc cách mạng toàn cầu để chấm dứt sự áp bức. Do không còn bị ru ngủ bởi chủ nghĩa yêu nước và tôn giáo, họ sẽ thấy việc bị bóc lột một cách rõ ràng và sẽ đứng lên để chấm dứt nó”...

170 năm qua, thế giới đã diễn ra biết bao biến cố lịch sử và lịch sử nhân loại cũng đã chứng kiến nhiều biến đổi thăng trầm, có cả những sự đổi thay đến không ngờ. Sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, phong trào cách mạng thế giới và Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn, chưa có tiền lệ nhưng không phải là “điểm kết thúc của lịch sử”. Từ đoạn trích trong cuốn sách Thế giới phẳng nêu trên có thể thấy, cái nghịch lý trong giai đoạn hiện nay là mặc dù phong trào cách mạng vô sản và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của thế giới đang gặp khó khăn nhưng một số học giả có uy tín trên trường quốc tế dù không theo chủ nghĩa Mác lại khách quan nhìn nhận rằng học thuyết Mác nói chung, tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng vẫn luôn có sức sống trường tồn suốt hàng thế kỷ và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhân loại, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Trong khi đó, một số người từng đứng trong hàng ngũ cách mạng nay lại dao động, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trở cờ, lớn tiếng công kích Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời; tự “sám hối”, “chia tay ý thức hệ”, vừa nghỉ hưu đã liền đòi “bỏ Đảng”.

Nhưng sự thật là trên thế giới ngày nay, những quốc gia đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dù đang là số ít vẫn đổi mới rất mạnh mẽ và phát triển đi lên. Ngay ở sân sau của Mỹ, hàng loạt nước Mỹ La-tinh đã tuyên bố đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh phức tạp với sự khủng hoảng của “mô hình dân chủ” phương Tây vốn đang được nhiều nhà tư tưởng, chính khách cảnh báo, kèm theo đó là sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi, chủ nghĩa bài ngoại, chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa thì phong trào cộng sản và phong trào công nhân cùng với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản ở các nước trên thế giới vẫn là nguồn sức mạnh to lớn, trở thành một trong những lực lượng quan trọng để đấu tranh với các thế lực cực hữu.    

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày trong tác phẩm này là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trải qua mọi thử thách, hơn một thế kỷ qua, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhiều vấn đề mới đặt ra đòi hỏi giải quyết nhưng chủ nghĩa Mác không hề lỗi thời.

Đối với cách mạng Việt Nam, suốt 88 năm qua, Tuyên ngôn nói riêng và Chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung cùng với Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam dẫn đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vấn đề của chúng ta hiện nay là phải bằng đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc để bảo vệ và phát triển hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Trên tinh thần đó, chúng ta tìm cái tinh túy của Chủ nghĩa Mác-Lênin để vận dụng trong hoàn cảnh mới. Kể từ khi ra đời đến nay, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn thực sự là cuốn sách gối đầu giường của những nhà cách mạng mác-xít chân chính và là cơ sở lý luận, khoa học cho việc xây dựng đường lối chiến lược và sách lược cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Lịch sử nhân loại, phong trào cách mạng thế giới dù đang phải trải qua những bước quanh co song nhân loại nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử. Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, từ những bài học thành công và thất bại trong các chặng đường lịch sử tồn tại và phát triển của nó, cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, tất có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới.

Th.S Trần Đình Hiệp
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

--------------------
(1)    Michael J. Sandel-Giáo sư Triết học Chính trị, nhà lý thuyết chính trị nổi tiếng của Đại học Hardvard, Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Dâng hương kỷ niệm 70 năm chiến thắng Plei Ring

Dâng hương kỷ niệm 70 năm chiến thắng Plei Ring

(GLO)- Sáng 21-3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Plei Ring (21/3/1954-21/3/2024) tại Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Plei Ring, xã Hbông.