Cả hệ thống chính trị vào cuộc chăm lo Tết cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi những cánh mai vàng bung nở ở khắp các bản làng, khối phố, những ngọn gió hanh hao mang theo cái lạnh se se là lúc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Điều mà chúng tôi cảm nhận không khí Tết ở Gia Lai lúc này không phải là sự nhộn nhịp mua bán, cỗ bàn, yến tiệc linh đình của người dân mà là nhộn nhịp bởi “Tết yêu thương”, “Tết nghĩa tình”. Sẽ không khó bắt gặp những chuyến hàng, những món quà, những nghĩa cử cao đẹp của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành, lực lượng vũ trang và người dân đến với đồng bào nghèo ở mọi địa bàn với quyết tâm “không để một người dân nào thiếu đói trong Tết cổ truyền của dân tộc”.
“Chuyến xe nghĩa tình” do Sở Giao thông-Vận tải tỉnh tổ chức đưa công nhân, người lao động nghèo về quê ăn Tết. Ảnh: Anh Sơn
“Chuyến xe nghĩa tình” do Sở Giao thông-Vận tải tỉnh tổ chức đưa công nhân, người lao động nghèo về quê ăn Tết. Ảnh: Nguyễn Anh Sơn
 Để chăm lo tết cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách như: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, ngay cuối tháng 12-2017, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 4622/KH-UBND về “Tổ chức hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018”. Qua đó, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động bố trí kinh phí, kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, như: “Nghĩa tình biên giới”, “Tết yêu thương”, “Tết sum vầy”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Xuân yêu thương-Tết ấm áp” cho trẻ em mồ côi, “Xuân biên giới thắm tình quân dân”,… Các hoạt động vui Xuân, đón Tết cho đồng bào cũng được chính quyền, các sở, ban nganh, lực lượng vũ trang quan tâm tổ chức. Những đêm hội gói bánh chưng với tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang. Bên những ánh lửa bập bùng, trai gái tay trong tay, cùng ngất ngây với điệu xoang Tây Nguyên quyến rũ.  
Đến tham gia chương trình “Tết yêu thương” do Hội Nông dân tỉnh Gia Lai và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Đông Gia Lai tổ chức tại xã Lơ Ku, huyện Kbang, anh Đinh Nguy, người dân tộc Bahnar, ở làng Kbông, xã Lơ Ku, vui mừng chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình tôi 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào 1 sào lúa. Nhiều khi vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn, Tết đến rồi mà trong nhà chưa có gì, may mà được Hội Nông dân tỉnh cho 10 kg gạo, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, bánh khẹo và 700 ngàn đồng tiền mặt nữa. Cảm ơn chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp đã không bỏ rơi những người nghèo chúng tôi trong những ngày Tết”.
Lơ Ku là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, toàn xã có 499 hội viên Hội Nông dân thì có đến 201 hội viên nghèo. Chương trình “Tết yêu thương” thực sự đã mang một làn gió xuân ấm áp đến với người dân nơi đây. Không chỉ có Đinh Nguy, mà hàng chục hộ nghèo khác ở Lơ Ku cũng được nhận quà của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. Đồng chí Đỗ Văn Luân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cho biết, trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Hội đã cử các đoàn công tác đến những vùng khó khăn của các huyện trong tỉnh Gia Lai, như: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, Mang Yang, Đak Đoa, Ia Pa để thăm hỏi, tặng quà cho 56 hộ gia đình nghèo, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Trực tiếp đến chúc Tết, tặng quà cho bà con đồng bào DTTS nghèo ở làng Bua và làng Chan (xã Ia Pnôn, huyện biên giới Đức Cơ), đồng chí Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Gia Lai, khẳng định: “Món quà tuy nhỏ nhưng đó là tấm lòng của cán bộ, nhân viên ngành giao thông vận tải tỉnh hướng về người dân nghèo. Cùng chung tay, san sẻ khó khăn với bà con, để bếp nhà ai cũng đỏ lửa khi Tết đến, Xuân về”. Ông Ksor Kil, sinh năm 1947, người dân tộc Gia Rai, ở làng Bua cùng với 77 hộ đồng bào DTTS nghèo được nhận quà của Sở Giao thông vận tải với trị giá 400 ngàn đồng, phấn khởi nói: “Vợ chồng tôi già rồi, cái chân đã mỏi không còn đủ sức đi rẫy nữa. Tết đến rồi mà bếp lạnh tanh, giờ có gạo, có quà của lãnh đạo các cấp, chúng tôi ăn Tết vui rồi”.
Trao đổi với đồng chí Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, chúng tôi được biết: “Gia Lai là một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao với 19,71% theo tiêu chí mới, trong đó, hộ nghèo người DTTS chiếm đến 82,9%. Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tỉnh Gia Lai đã bố trí kinh phí hơn 25 tỷ đồng chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo. Đồng thời huy động các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là đóng góp của lực lượng vũ trang, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, các nhà hảo tâm và người dân để chung tay chăm lo cho người nghèo”.
Lực lượng vũ trang và thanh niên huyện Kbang gói bánh chưng tặng bà con làng kháng chiến Stơr. Ảnh: Anh Sơn
Lực lượng vũ trang và thanh niên huyện Kbang gói bánh chưng tặng bà con làng kháng chiến Stơr. Ảnh: Nguyễn Anh Sơn
Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Gia Lai, mới đây, trong chuyến thăm và chúc Tết nhân dân tỉnh Gia Lai, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng quà cho các đối tượng chính sách, hộ đồng bào nghèo trong tỉnh hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo các cấp, phải làm tốt công tác chăm lo Tết cho người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên tinh thần mọi gia đình, mọi nhà đều có cái Tết vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, tiết kiệm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã quyết định xuất cấp (không thu tiền) 1.173,075 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho người dân tỉnh Gia Lai trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và thời gian giáp hạt năm 2018.
Binh đoàn 15 với chủ trương không để một người dân nào trên địa bàn đơn vị đứng chân “thiếu cơm, nhạt muối, đứt bữa”, trong dịp Tết cỗ truyền dân tộc đã chi hơn 4 tỷ đồng chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết với đồng bào. Gặp già làng Sin Quý, 70 tuổi, người dân tộc Gia Rai ở làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, ông không giấu được cảm xúc khi tâm sự với chúng tôi: “Hơn 50% người dân làng Tung mình là công nhân của Đội 10, Công ty 75, Binh đoàn 15. Bà con làm gì cũng có bộ đội chung tay. Tết cũng vậy, vui lắm, ấm cúng lắm, tình quân dân trên vùng biên này đẹp và thanh khiết như những bông mai vàng”.
Nguyễn Anh Sơn

Có thể bạn quan tâm

Phó Chủ tịch HĐND thị xã Mai Thế Phụng (bìa trái) và Phó Chủ tịch UBND thị xã Đặng Xuân Toàn (bìa phải) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng tân Chánh Văn phòng HĐND&UBND thị xã Ảnh Nguyễn Sang

Ayun Pa có tân Chánh Văn phòng HĐND-UBND

(GLO)- Sáng 28-3, UBND thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức công bố quyết định của Chủ tịch UBND thị xã về công tác cán bộ. Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, các ban, ngành của thị xã Ayun Pa
Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

(GLO)- Chiều 26-3, Thường trực HĐND TP. Pleiku tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND để làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công nguồn ngân sách trung ương và công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.