Giảm mạnh tình trạng chậm thực hiện yêu cầu của Thủ tướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ đầu năm tới ngày 30-6, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương 13.054 nhiệm vụ.

Phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng, trong 6 tháng đầu năm, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có chuyển biến rõ nét. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 6.987 nhiệm vụ, còn 6.067 nhiệm vụ chưa hoàn thành, gồm 5.863 trong hạn và 204 nhiệm vụ quá hạn.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may ngày 20-6.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may ngày 20-6.

Như vậy, số nhiệm vụ quá hạn giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, chỉ chiếm 2,8% tổng số nhiệm vụ được giao, giảm 22,2% so với trước thời điểm Tổ công tác được thành lập.

Kết quả nói trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2017.

Cũng theo Tổ trưởng Tổ công tác, một số bộ, cơ quan, địa phương có nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa thực hiện, như các Bộ: Y tế, Công an, KH&ĐT, TN&MT, TPHCM, Hà Nội, Quảng Trị, Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổ công tác đã thực hiện 14 cuộc kiểm tra. Trong đó có 7 cuộc kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại 7 bộ, cơ quan, địa phương; 1 cuộc về giải pháp xử lý cơ chế thanh toán dự án đường Minh Hưng-Đồng Nơ đầu tư theo hình thức BT của tỉnh Bình Phước; 1 cuộc kiểm tra 16 bộ, cơ quan, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án thuộc ngành công thương.

Gần đây nhất là trong tháng 6, Tổ công tác đã kiểm tra chuyên đề về triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2017 tại 3 tập đoàn kinh tế, gồm Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dệt-May Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Các báo cáo của Tổ công tác đã đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực những kết quả đạt được của bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, yếu kém, dư luận quan tâm, bức xúc, yêu cầu bộ, cơ quan, địa phương cần quan tâm, chỉ đạo để chẩn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Thông qua các buổi kiểm tra, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao của bộ, cơ quan, địa phương được tháo gỡ. Nhiều nhiệm vụ quá hạn còn nợ đọng liên quan đến hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được khẩn trương thực hiện theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể như: Xây dựng cơ chế thanh toán dự án đường Minh Hưng-Đồng Nơ; nhiệm vụ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; việc thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án thuộc ngành công thương…

Đặc biệt, sau 2 cuộc kiểm tra của Tổ công tác đối với các bộ, cơ quan trong việc xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, đến nay tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được khắc phục về cơ bản.

Tuy nhiên, nhiều bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa hoàn thành các nhiệm vụ giao theo đúng thời hạn đã cam kết với Tổ công tác, vẫn còn tình trạng xin lùi thời hạn thực hiện, hoặc thực hiện nhiệm vụ giao mang tính đối phó, nhất là khi Tổ công tác chuẩn bị kiểm tra.

Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa với những giải pháp tích cực nhất thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã giao; đẩy mạnh cổ phần hóa; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, bảo đảm tiến độ và chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới trong chỉ đạo, điều hành, đổi mới quản trị…

Tổ công tác cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn. Trong đó, Bộ Công Thương khẩn trương có giải pháp hỗ trợ TKV tiêu thụ hơn 2 triệu tấn than trong số 9 triệu tấn than sạch còn tồn kho, đồng thời chỉ đạo TKV bảo đảm giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện theo giá thị trường, tuân thủ quy định của thị trường.

Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép TKV xuất khẩu thêm than ngoài hạn ngạch đã được phê duyệt để TKV chủ động sản xuất, tiêu thụ và cân đối tài chính, nhưng phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm cung cấp đủ than phục vụ sản xuất trong nước…

Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách nhằm tạo ra hàng rào kỹ thuật phi thuế quan để tháo gỡ khó khăn, tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành dệt may Việt Nam để không vi phạm cam kết hội nhập mà vẫn bảo hộ được sản xuất nội địa.

Đối với Bộ Tài chính, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến xuất khẩu than để bổ sung vào nội dung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Khẩn trương, báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thay đổi chính sách thuế cho lượng vải dư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu nằm trong định mức 3% tiết kiệm được của doanh nghiệp theo hướng không phải khai báo nộp VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt khác nếu có.

Các bộ, cơ quan, địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao với tinh thần không để nợ đọng nhiệm vụ, không chờ đến hạn mới xử lý, thực hiện; khi có khó khăn, vướng mắc cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ hoặc thông tin, phản ánh, phối hợp kịp thời với VPCP để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý, giải quyết.

Qua các buổi kiểm tra tại các bộ, cơ quan, địa phương, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều nêu một số bất cập của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và đề nghị với Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng cho phù hợp với thực tiễn.

Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, giao Bộ KH&ĐT khẩn trương nghiên cứu, rà soát, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Luật Đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP năm 2016.

Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, rà soát sớm đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, chuyển đổi phương thức từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Tổ công tác đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ vào nội dung của báo cáo này, triển khai thực hiện các nội dung có liên quan đến bộ, cơ quan, địa phương mình và báo cáo Tổ công tác kết quả thực hiện trước ngày 25-7.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

(GLO)- Đoàn công tác của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai do bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay chính quyền, Mặt trận và các tổ chức xã hội tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.