Cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026), các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19. Bên lề kỳ họp, phóng viên Báo Gia Lai ghi lại một số ý kiến của đại biểu.

Báo Gia Lai trao đổi với Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh bên lề kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Phóng viên Báo Gia Lai trao đổi với Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh bên lề kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

* Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân
 

Ông Lưu Trung Nghĩa. Ảnh: Đức Thụy
Ông Lưu Trung Nghĩa. Ảnh: Đức Thụy

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng. Đặc biệt, giá cả một số mặt hàng trái cây, hoa quả, thịt heo hơi… giảm do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, ách tắc trong lưu thông; trong khi giá vật tư nông nghiệp đầu vào, nhất là phân bón tăng cao. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; bệnh khảm lá mì, trắng lá mía, viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, dịch tả heo châu Phi… đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Để giải quyết các vấn đề trên, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở: Công thương, Y tế, Giao thông-Vận tải nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong điều kiện có thể. Đồng thời, Sở đã thành lập tổ công tác kết nối với 2 tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT ở phía Bắc và phía Nam nhằm điều phối sản xuất, lưu thông thị trường. Ngoài ra, Sở cũng đã chỉ đạo thành lập tổ công tác ở các huyện, xã để cùng với doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối thị trường.

Cùng với đó, Sở đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi thả rông trong vùng dân tộc thiểu số cùng diễn biến thời tiết bất lợi khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn, tăng cường lực lượng thú y của tỉnh, phân cấp, phân quyền cho các huyện chủ động nguồn kinh phí sử dụng cho công tác ngăn chặn, dập dịch. Tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí khi các địa phương không còn nguồn kinh phí dự phòng. Đồng thời, Sở sẽ đề xuất với Bộ đưa bệnh viêm da nổi cục vào danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng-dịch bệnh.  


 

* Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Tiếp tục đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ”
 

Ông Phạm Văn Binh. Ảnh: Đức Thụy
Ông Phạm Văn Binh. Ảnh: Đức Thụy

Trong sản xuất công nghiệp, Gia Lai tập trung ở 4 lĩnh vực lớn: công nghiệp điện; công nghiệp chế biến; công nghiệp khai khoáng; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải. Thời gian qua, các lĩnh vực này cũng chịu tác động do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không lớn như các tỉnh, thành khác. Cùng với đó, tỉnh ta cũng đã thực hiện khá tốt các giải pháp phòng-chống dịch Covid-19; các doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện tốt các quy định về phòng-chống dịch. Nhờ vậy, các nhà máy sản xuất điện cũng như chế biến nông sản hầu như không bị thiệt hại lớn. Điều này được chứng minh khi 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đạt hơn 17%. Thời gian tới, ngành tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác phòng-chống dịch Covid-19, đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất-ăn-nghỉ ngơi tại nơi làm việc) theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Thời gian qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến một số thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo điều kiện thuận lợi để tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm của tỉnh. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh đạt trên 55%. Thời gian tới, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với thị trường nước ngoài qua nhiều kênh như: xúc tiến thương mại điện tử, vận động doanh nghiệp tích cực mở rộng thị trường. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, làm chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

 


* Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: Doanh nghiệp cần sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành
 

Ông Thái Như Hiệp. Ảnh: Đức Thụy
Ông Thái Như Hiệp. Ảnh: Đức Thụy

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến toàn cầu, không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay vẫn duy trì ổn định. Công ty xuất khẩu được 80 ngàn tấn cà phê, tăng gần 130% so với cùng kỳ năm 2020. Để có được kết quả này, những năm qua, doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược phát triển dài hơi, từ lên kế hoạch, phương án kinh doanh đến xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Nhờ đó, các sản phẩm của Công ty được các thị trường khó tính trên thế giới ưa chuộng nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng khá.

Trong những tháng cuối năm, để duy trì sự ổn định trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương. Theo đó, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, hiện nay, lượng tồn kho của các doanh nghiệp đang rất lớn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản. Vì vậy, các bộ, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hạ lãi suất để giữ được lượng hàng tồn kho cũng như có tài chính để hỗ trợ cho vụ mùa sắp tới. Cuối cùng, để tăng trưởng theo “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra thì các địa phương cần thống nhất giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa theo các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện theo một kiểu, gây ách tắc trong lưu thông hàng hóa.

 

QUANG TẤN-TRẦN DUNG (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

(GLO)- Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 3 địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.