Lộ khối tài sản khủng của 3 cô con gái nhà Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với trên 200 triệu cổ phiếu OCB đang nắm giữ, giá trị khối tài sản chứng khoán của gia đình ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch OCB hiện lên tới 5.300 tỷ đồng. Đại gia Trịnh Văn Tuấn và 3 con gái đều được xướng tên trong Top 130 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố báo cáo quản trị nửa đầu năm 2021, lộ diện khối tài sản của gia đình đại gia Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT nhà băng này.

Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn và 3 con gái nắm trong tay khối tài sản nghìn tỷ

Cụ thể, theo báo cáo quản trị phát hành ngày 13/7/2021, ông Trịnh Văn Tuấn đang sở hữu gần 48,6 triệu cổ phiếu OCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,43%.

Bà Cao Thị Quế Anh (vợ ông Tuấn) sở hữu 35,2 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 3,21% vốn cổ phần ngân hàng.

Con gái của đại gia Trịnh Văn Tuấn là Trịnh Thị Mai Anh sở hữu 32,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2,94%.

Bà Trịnh Mai Linh và Trịnh Mai Phương – Paula sở hữu lần lượt hơn 46,8 triệu và hơn 41 triệu cổ phiếu OCB, tỷ lệ 4,27% và 3,75%. Bà Trịnh Mai Linh và Trịnh Mai Phương là 2 người con gái khác của Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn.

Như vậy, gia đình Chủ tịch OCB đang nắm giữ gần 204 triệu cổ phiếu OCB, tức sở hữu tới hơn 18,5% vốn cổ phần nhà băng này.

 

 Tổng hợp báo cáo quản trị nửa đầu năm 2021 của OCB. (Ảnh: LT)
Tổng hợp báo cáo quản trị nửa đầu năm 2021 của OCB. (Ảnh: LT)


Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu OCB đang giao dịch quanh mức giá 26.150 đồng/cp. Với mức giá này, tài sản chứng khoán gia đình Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn đang sở hữu như đã nêu trên lên tới trên 5.300 tỷ đồng.

Trong đó, ông Tuấn có khoảng 1.300 tỷ, hiện đứng vị trí 90 trong Top người giàu chứng khoán Việt. Con gái Trịnh Mai Linh đứng vị trí 93 với khối tài sản 1.230 tỷ đồng.

Con gái Trịnh Mai Phương – Paula và vợ Cao Thị Quế Oanh lần lượt sở hữu số cổ phiếu OCB trị giá 1.080 tỷ và 920 tỷ đồng, đứng vị trí 103 và 114 trong bảng xếp hạng người giàu trên thị trường chứng khoán.

Bà Trịnh Thị Mai Anh là người con gái có khối tài sản chứng khoán thấp nhất trong số 5 thành viên kể trên của gia đình Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn, và hiện đứng vị trí 122 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, tổ chức liên quan tới gia đình ông Tuấn, Công ty TNHH Đầu tư TQA (nơi vợ và con gái là thành viên HĐTV) sở hữu 12,4 triệu cổ phần OCB, tương đương tỷ lệ 1,13%.

Như vậy, tổng cộng ông Trịnh Văn Tuấn và người liên quan đang sở hữu tổng cộng 19,63% vốn tại OCB.

 

Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch OCB. (Ảnh: OCB)
Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch OCB. (Ảnh: OCB)


Ông Trịnh Văn Tuấn sinh năm 1965 tại Hòa Bình, tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội loại giỏi, trở thành nghiên cứu sinh viên Bách khoa Warsaw (Ba Lan) và bắt đầu nhận thấy cơ hội kinh doanh tại thị trường này.

Trong giai đoạn thập niên 1990, ông Tuấn là một trong những doanh nhân người Việt thành công tại thị trường Đông Âu.

Năm 1996 ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, là thành viên sáng lập Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và ông cũng từng làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này trong 6 năm.

Năm 2010, ông Tuấn bất ngờ rời VIB sang OCB.

Cũng thời gian này, ông lập gia đình với bạn gái cùng khóa, người theo ông sang Ba Lan từ đầu những năm 1990.

Từ năm 2012, ông Tuấn lên làm Chủ tịch OCB và giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của nhà băng này suốt thập kỷ qua.

OCB kinh doanh ra sao dưới sự chèo lái của đại gia Trịnh Văn Tuấn?

Dưới sự chèo lái của "thuyền trưởng" Trịnh Văn Tuấn, OCB ngày càng "ăn nên làm ra".

Từ mức lợi nhuận trước thuế dưới 500 tỷ đồng ghi nhận vào năm 2016, sau 5 năm trở lại đây lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đã đạt hơn 4.400 tỷ đồng (năm 2020). Tức là, lợi nhuận tăng trưởng hơn 8 lần trong vòng 5 năm gần nhất.

Cùng với đó, tỷ suất lợi nhuận bình quân ROAA và ROEA đạt 2,61% và 24,42%. Ngân hàng theo đó nằm trong Top 10 các NHTM cổ phần về lợi nhuận và nằm trong top 4 ngân hàng hiệu quả nhất Việt Nam do Forbes bình chọn.

 

 Tổng hợp BCTC của OCB. (Ảnh: LT)
Tổng hợp BCTC của OCB. (Ảnh: LT)


Trong quý I/2021, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 1.276 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch lợi nhuận OCB đưa ra cho cả năm 2021 ở mức 5.500 tỷ đồng thì ngân hàng đã thực hiện gần 25% chỉ tiêu đưa ra cho cả năm.

Bên cạnh các mục tiêu trên, OCB đề ra một số chỉ tiêu cơ bản như: Tổng tài sản dự kiến đạt 183.500 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước; tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt 136.700 tỷ đồng, tăng 26%; dư nợ thị trường 1 lên 113.000 tỷ đồng (nếu được NHNN chấp thuận); tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 2%.

Trong cơ cấu cổ đông, OCB hiện chỉ có một cổ đông lớn là ngân hàng Aozora (Nhật Bản) – đầu tư vào OCB từ năm 2020, hiện sở hữu 15% vốn cổ phần ngân hàng.

Mới đây, OCB đã khóa room ngoại ở mức 22%, được cho là mở đường để ngân hàng này tiếp tục bán vốn cho cổ đông nước ngoài trong thời gian tới, như kế hoạch đã đề ra.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ lên gần 13.700 tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%.

 

https://danviet.vn/lo-khoi-tai-san-khung-cua-3-co-con-gai-nha-chu-tich-ocb-trinh-van-tuan-20210714150045032.htm

Theo H.ANH (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước