Thành Thành Công Gia Lai hội nhập và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong không khí chào đón năm mới, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) và người trồng mía đang hối hả bước vào vụ thu hoạch với niềm vui trọn vẹn khi năng suất cao và giá thu mua ổn định.
Nhộn nhịp trên những đồng mía
Những ngày cuối năm 2020, dạo quanh vùng nguyên liệu mía của Công ty TTC Gia Lai đều thấy tiếng cười, nói rộn ràng của gần 5.000 lao động từ các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận như: Phú Yên, Bình Định được Công ty tạo việc làm khi tập trung về vùng nguyên liệu để thu hoạch mía.
Đặc biệt, vụ ép 2020-2021 được khởi động bằng tín hiệu vui với người trồng mía trong vùng nguyên liệu của Công ty TTC Gia Lai khi năng suất năm nay tăng cao. Theo đó, năng suất bình quân ước đạt 70 tấn/ha, tăng hơn 10 tấn/ha so với niên vụ 2019-2020. Niềm vui còn được nhân đôi khi giá mía được Công ty thu mua đầu vụ tại ruộng là 880 ngàn đồng/tấn cho mía đạt 10 chữ đường (CCS). Đây là tiền đề quan trọng để cây mía phát triển bền vững trong những năm tới.

Bà Vũ Thị Lan-quyền Giám đốc Công ty TTC Gia Lai-cho biết: “Trong điều kiện khó khăn, Công ty đã chủ động tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất để tập trung kinh phí cho công tác phát triển vùng nguyên liệu. Theo đó, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh, Công ty đã đầu tư xây dựng các mô hình cánh đồng liên kết, cùng người trồng mía thành lập hợp tác xã chuyên canh, hỗ trợ nông dân áp dụng  tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như: tưới nước tiết kiệm, phun chế phẩm sinh học kích thích cây mía sinh trưởng phát triển tốt, thử nghiệm các giống mới năng suất chất lượng cao, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, bón phân đến thu hoạch... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tiết kiệm chi phí đầu tư, tiết giảm công lao động và hạ giá thành sản phẩm”.

Cơ giới hóa trong trồng mía tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa). Ảnh: Bảo Trang
Cơ giới hóa trong trồng mía tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa). Ảnh: Bảo Trang
Bà Lê Thị Quỳnh Trang-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Tân Tiến (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cho hay: Khi tham gia vào chuỗi liên kết trồng mía với Hợp tác xã, nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm canh tác hiệu quả, tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn, chủ động trong khâu thu hoạch. Những năm trước, chúng tôi đã từng phá bỏ cây mía để trồng cây khác, nhưng thực sự chưa cây nào hiệu quả như cây mía bởi đầu ra không đảm bảo, giá cả lại bấp bênh. Chúng tôi và nhà máy sẽ sòng phẳng với nhau trong quá trình liên kết sản xuất-tiêu thụ theo hướng bền vững, cùng chia sẻ lợi nhuận và khó khăn, không bỏ rơi nhau lúc thị trường biến động.
“Với giá thu mua là 880 ngàn đồng/tấn tại ruộng và các khoản đầu tư không hoàn lại khi trồng khoảng 50 ngàn đồng/tấn thì người trồng mía đạt lợi nhuận bình quân 25-30 triệu đồng/ha. Đặc biệt, chính sách thu mua mía cho 3 vụ tiếp theo (từ niên vụ 2021-2022) được Công ty bảo hiểm ở mức giá 800 ngàn đồng/tấn cho mía 10 CCS tại ruộng. Nhờ vào sự ổn định chính sách, người trồng mía có thể tự tin gắn bó, làm giàu từ cây mía. Hợp tác xã Tân Tiến sẽ mở rộng diện tích mía trồng mới trong vụ 2021-2022 khoảng 200 ha, nâng tổng diện tích lên 500 ha và hợp tác chặt chẽ với Công ty”-bà Trang phấn khởi nói.
Cơ giới hóa trong trồng mía tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa). Ảnh: Bảo Trang

Công ty TTC Gia Lai tổ chức truyền thông đồng hành cùng người trồng mía. Ảnh: Bảo Trang

Trong khi đó, ông Bùi Đình Thạ (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) thì cho hay: Gia đình tôi trồng mía từ năm 2016 với diện tích 3 ha. Nhờ cán bộ khuyến nông của Công ty TTC Gia Lai hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác theo phương pháp mới nên gia đình tôi tiết kiệm được nhiều chi phí, năng suất mía tăng cao. Từ 3 ha mía ban đầu, gia đình tôi mở rộng thêm diện tích, mua máy móc nông nghiệp về canh tác và làm dịch vụ cho các hộ trồng mía trong vùng. Ai chưa có kinh nghiệm thì mình sẵn sàng chia sẻ, hợp tác để cùng nhau phát triển kinh tế từ cây mía.
Niên vụ 2020-2021, gia đình tôi có 16 ha mía được chăm sóc đúng kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa và đáp ứng nước tưới khoảng 80% diện tích. Nhờ đó, nhiều chi phí đầu tư đã được tiết giảm mà năng suất mía bình quân vẫn đạt 90 tấn/ha. Với giá thu mua của Nhà máy đưa ra, lợi nhuận năm nay đạt 25-30 triệu đồng/ha.
Gắn kết cộng đồng cùng phát triển
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với những yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau như: năng lực cạnh tranh còn yếu, những tác động từ biến đổi khí hậu, giá đường thế giới biến động, đường nhập lậu nhiều… khiến ngành mía đường Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Đặc biệt, sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường ngày càng lớn.
Vượt qua những khó khăn này, TTC Gia Lai và người trồng mía đã cùng nhau chia sẻ, tìm các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu ổn định và tạo ra những kết quả khả quan trong niên vụ 2020-2021. Đặc biệt, với dây chuyền sản xuất của Nhà máy được đầu tư và hoàn thiện, hoạt động ổn định với công suất 6.000 tấn mía cây/ngày, TTC Gia Lai đã sản xuất được nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, được các khách hàng lớn tin dùng nhiều năm qua như: Vinacafe, Mondelez Kinh Đô, Masan… Công ty đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống FSSC 22000; hệ thống quản lý môi trường ISO14001: 2015; ISO 9001:2015. Khói thải, nước thải được quản lý chặt chẽ, đúng quy định thông qua hệ thống quan trắc khí thải và quan trắc nước thải tự động. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường luôn được nâng cao trong mỗi cán bộ, nhân viên và hướng đến tiêu chí xanh-sạch-thân thiện với môi trường.
Là đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai, song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, những năm qua, TTC Gia Lai đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: tặng quà cho những gia đình khó khăn trong dịp lễ, Tết; tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó…
Với những định hướng chiến lược rõ ràng và cụ thể, TTC Gia Lai tự tin hội nhập bằng việc chủ động thực hiện các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững với phương châm “nông dân có lời, nhà máy có lãi”. Hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
BẢO TRANG

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.