Báo Anh: Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất Đông Nam Á

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cho đến nay, thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế COVID-19 trong khi các nước láng giềng Đông Nam Á gặp khó khăn, đang giúp Việt Nam vượt lên dẫn trước về tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Ảnh: AFP
Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Ảnh: AFP


Hãng tin Anh Reuters dẫn ý kiến của các nhà đầu tư, chuyên gia và nhà phân tích nước ngoài cho biết, sức mạnh của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 được chứng tỏ bằng hai hiệp định tự do thương mại được ký kết vào năm 2020, đồng thời Việt Nam tỏ ra thành công vượt trội trong việc thu hút các nhà sản xuất đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Bắc Kinh - Washington. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào năm ngoái, 2,9%, mặc dù giảm so với năm 2019.

Những người theo dõi Việt Nam kỳ vọng đất nước này sẽ vươn cao miễn là ngăn chặn được virus - vốn đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia. Nhờ xét nghiệm có mục tiêu một cách nghiêm ngặt, chương trình kiểm dịch, cách ly tập trung và đóng cửa biên giới sớm, số ca nhiễm COVID-19 của Việt Nam cho đến nay chỉ có hơn 1.500 trường hợp và 35 ca tử vong - ít hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào tương đương với dân số gần 98 triệu người.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Việc quản lý thành công đại dịch cho đến nay đã giúp Việt Nam chiếm được thị phần lớn hơn trong thương mại toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong năm 2020”.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP 6% cho năm 2021, nhưng Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5%, cao hơn mức Quốc hội giao.

Tại WHA Group - công ty logistics của Thái Lan đã mở rộng kinh doanh bất động sản công nghiệp tại Việt Nam - chủ tịch Jareeporn Jarukornsakul cho biết, các nhà đầu tư muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Thái Lan đã không thể thực hiện được vì COVID-19 đang lây lan rộng ở nước này.

Mặc dù các vấn đề về cơ sở hạ tầng và quy định ở Việt Nam kém hơn ở Thái Lan, song bà Jareeporn nói: “Chi phí ở Việt Nam rẻ và chính phủ Việt Nam rất nhanh chóng trong đầu tư, cho phép các tỉnh ban hành quy định và ưu đãi đầu tư của riêng mình”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, ngay cả khi Việt Nam vẫn giữ được năng lực trong việc xử lý COVID-19: Việt Nam đang thiếu lao động có kỹ năng cao, bộ máy hành chính cũ cần số hóa và phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu than, gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, sự pha trộn của những mặt tích cực đang chảy qua nền kinh tế đã giúp các nhà quản lý tài sản có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có thể huy động được số tiền đáng kể. Mới đây, quỹ Mekong Capital có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã huy động được 246 triệu USD, lớn nhất từ ​​trước đến nay - nhiều hơn gần 25% so với mục tiêu 200 triệu USD ban đầu.

Dominic Scriven, Chủ tịch công ty quản lý tài sản Việt Nam Dragon Capital cho biết, sự kết hợp giữa các thoả thuận thương mại của Việt Nam, nhiều tiền mặt hơn trong nền kinh tế và sự ổn định chính trị đã mang đến kết quả tốt hơn mong đợi của ba quỹ mới mà Dragon Capitol thành lập. “Chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự hấp dẫn của thị trường” - ông Scriven nói.

Lực kéo

Lượng tiền mặt lớn, cùng với lãi suất tiết kiệm giảm sau ba lần cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương kể từ tháng 3, đã khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Sự phát triển cũng được thúc đẩy bởi hai hiệp định thương mại tự do được ký kết vào năm ngoái: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - khối thương mại lớn nhất thế giới - và Hiệp định Thương mại Tự do Anh-Việt Nam (UKVFTA).

Việt Nam cũng có các thỏa thuận thương mại song phương với cả Hàn Quốc và Nhật Bản - những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất và là một bên ký kết Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện gồm 11 nước (CPTPP).

Việc thúc đẩy thỏa thuận thương mại đã mang lại cho Việt Nam lợi thế so với một số đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã “đưa Việt Nam lên vị trí rõ ràng trên bản đồ” - Sven Schneider, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại EU-Malaysia cho biết và nói thêm rằng, “Malaysia đang thức tỉnh trước cơ hội bị bỏ lỡ này”.

Chủ tịch WHA Group Jareeporn cũng nhận định, EVFTA đã mang lại cho Việt Nam một lợi thế. Bà Jareeporn nói: “Nếu một ngành cần lao động giá rẻ, thì ngành đó chắc chắn sẽ đến Việt Nam”.

Trong ngắn hạn, Việt Nam có đủ khả năng để vượt lên dẫn trước các đối thủ trong khu vực vào năm 2021.

Chad Ovel, đối tác của Mekong Capital, cho biết: “Việt Nam an toàn, chính phủ hoạt động trơn tru và đối mặt với những trở ngại như COVID-19, Việt Nam đã vượt lên thách thức mà không do dự và chiến thắng. Việt Nam rõ ràng đã giành được vị trí là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á”.

 

https://laodong.vn/the-gioi/bao-anh-viet-nam-la-diem-den-dau-tu-hap-dan-nhat-dong-nam-a-873755.ldo

Theo NGỌC VÂN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước