Gói chính sách 'cứu' hàng không để phục hồi các đứt gãy kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo các chuyên gia kinh tế, sự hỗ trợ từ Chính phủ là việc làm cấp bách nhằm tái thiết lập hoạt động hàng không, giúp phục hồi chuỗi kinh tế, du lịch và là tiền đề hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp. Hàng không chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất bởi đại dịch COVID-19.
 

Hàng không chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất bởi đại dịch COVID-19. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Hàng không chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất bởi đại dịch COVID-19. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)


Hàng không chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất bởi đại dịch COVID-19. Để giảm nguy cơ phá sản, Chính phủ nhiều nước đã đưa ra các gói “giải cứu” cho các hãng hàng không bởi đây là nhân tố cần có sự hỗ trợ sớm nhất để tăng tốc phục hồi các đứt gãy về kinh tế của mỗi quốc gia.

Chạm ngưỡng phá sản

Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), tổng dòng tiền thâm hụt tính đến cuối tháng 9/2020 đã lên đến hơn 11.600 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán. Dự kiến cả năm, tổng thâm hụt dòng tiền khoảng 14.500 tỷ đến 15.000 tỷ đồng.

Hiện nay, dư địa để tiết giảm chi phí đầu vào cũng như tăng doanh thu đều đã đến ngưỡng do Vietnam Airlines đã thực hiện tất cả các giải pháp quản trị doanh thu có thể, trong khi thị trường nội địa đã tăng trưởng ở mức 75%.

Nếu không được giải ngân khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng trong quý 4/2020, Vietnam Airlines có nguy cơ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tình trạng chung của nhiều hãng hàng không trên thế giới.

Đưa ra dẫn chứng thực tế nhiều hãng hàng không thế giới đã phải bán doanh nghiệp thành viên, thậm chí bán trụ sở mới kỳ vọng sống sót với đại dịch, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính-Kế toán Vietnam Airlines cho biết vấn đề của hãng là phải giải quyết bài toán thanh khoản và duy trì dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp.

Trên cơ sở này, Vietnam Airlines đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của hãng (vốn Nhà nước chiếm tới 86%) đề nghị vay quy mô tối thiểu ít nhất 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.

Hãng cũng kiến nghị phát hàng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)/doanh nghiệp Nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định nếu không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế để nâng cao năng lực tài chính cho Vietnam Airlines thông qua hoạt động bảo lãnh các khoản vay của doanh nghiệp và cho phép SCIC đầu tư vào hãng bay này theo cơ chế đặc thù, Vietnam Airlines sẽ đối mặt với khả năng phá sản. Nếu điều này xảy ra, hệ lụy sẽ là rất lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc và tính cạnh tranh của ngành hàng không đồng thời hàng chục nghìn lao động có nguy cơ mất việc và chi phí khắc phục hậu quả này không hề nhỏ.

Cần làm nhiều và nhanh để “cứu” hàng không

Ông Cung chỉ ra kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đang làm nhiều và làm nhanh hơn Việt Nam khi bơm hàng trăm tỷ USD để “cứu” ngành hàng không. Họ đồng thời cũng làm hai vai trò, Chính phủ với tư các quản lý Nhà nước và Chính phủ là người đầu tư, là cổ đông và là thành viên góp vốn. Trong khi đó, phương án hỗ trợ bảo đảm thanh khoản cho Vietnam Airlines với tư cách là chủ sở hữu vốn lại chưa có động thái nào, thậm chí đã bị chậm so với dự kiến ban đầu.

“Việc hỗ trợ từ Chính phủ là việc làm cấp bách nhằm tái thiết lập hoạt động hàng không, giúp phục hồi chuỗi kinh tế, du lịch và là tiền đề hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp khác. Do đó, chúng ta cần phân định và làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong trường hợp này,” ông Cung nhấn mạnh.

Hơn nữa, ông cũng đánh giá việc tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines không chỉ nhìn ngắn hạn ở tầm giải quyết khó khăn trước mắt mà còn là điều kiện để doanh nghiệp củng cố tiềm lực, tái cơ cấu đón cơ hội tăng trưởng trong tương lai.

“Hãng hàng không như Vietnam Airlines phải là nhân tố đầu tiên để phục hồi các đứt gãy về kinh tế”, ông Cung khẳng định.

 

Chính phủ các nước đã có nhiều gói chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Chính phủ các nước đã có nhiều gói chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)



Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các giải pháp, chính sách đặc thù như đề xuất Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp hàng không; nghiên cứu cơ chế cho SCIC được phép đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không theo hướng cho phép thực hiện quy chế đặc thù để đảm bảo tách bạch kết quả hoạt động đầu tư này với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường năm 2021 đối với nhiên liệu bay; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng và tiếp tục gia hạn thời gian giảm 50% giá cất/hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay đi/đến cho các chuyến bay nội địa.

Đánh giá cao những giải pháp này, Nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước Vũ Bằng khẳng định, do vai trò của Vietnam Airlines tromg nền kinh tế rất quan trọng nên các giải pháp hỗ trợ hãng phải kéo dài. Ông gợi ý phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi của Vietnam Airlines, Chính phủ cho phép SCIC mua qua hình thức chỉ định đầu tư có thời hạn.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho rằng cần xử lý tháo gỡ theo cơ chế đặc thù do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không chỉ theo các khung pháp lý, quy định sẵn có.

“Việc này phải triển khai nhanh, ngay để có được các giải pháp khả thi, không tạo áp lực cân đối thu chi trong tương lai cho ngân sách và Vietnam Airlines. Với vai trò Chủ sở hữu, Chính phủ có thể hỗ trợ về thanh khoản, tăng vốn chủ sở hữu, cho vay về từ nguồn ngân sách Nhà nước thông qua mua cổ phiếu phát hành thêm...,” ông Trung nhìn nhận.

 

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo ngành hàng không sẽ đốt  77 tỷ USD tiền mặt trong nửa cuối năm 2020 (gần 13 tỷ USD /tháng hoặc 300.000 USD mỗi phút), bất chấp việc khai thác lại đang được khởi động. Du lịch hàng không phục hồi chậm sẽ khiến ngành này tiếp tục tốn một số tiền mặt lớn trung bình từ 5-6 tỷ USD mỗi tháng vào năm 2021.

IATA ước tính các hãng hàng không dự kiến sẽ sử dụng thêm 77 tỷ USD tiền mặt của họ trong nửa cuối năm nay và thêm 60-70 tỷ USD vào năm 2021. Ngành công nghiệp dự kiến sẽ không có biến chuyển khả quan cho đến năm 2022.


Theo Việt Hùng (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

(GLO)- Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 3 địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.