Gia Lai: Thị trường taxi cạnh tranh gay gắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình hình kinh tế gặp khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực giảm sâu cùng với sức ép cạnh tranh gay gắt từ “xe công nghệ” buộc các hãng taxi ở Gia Lai phải đổi mới mạnh mẽ để cạnh tranh thị phần.

Đổi mới để tồn tại

Là thương hiệu lớn và có thâm niên trên thị trường, Công ty TNHH Mai Linh Gia Lai (taxi Mai Linh) có nhiều thuận lợi so với các đối thủ khác. Tuy nhiên, đứng trước cuộc đua khốc liệt để giữ đà tăng trưởng và trước áp lực từ “xe công nghệ”, taxi Mai Linh cũng phải tung ra nhiều chiến lược kinh doanh mới.

“Trọng tâm là Mai Linh ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua chất lượng xe, thái độ phục vụ và dịch vụ hậu mãi. Hiện nay, hầu hết dàn xe của taxi Mai Linh là xe đời mới (sản xuất từ năm 2015 trở lại đây), tài xế được đào tạo bài bản về kỹ năng lái xe và tuân thủ yêu cầu khắt khe về thái độ phục vụ: trang phục, giao tiếp lịch sự với khách hàng”-bà Trần Thị Ánh-Phó Giám đốc Công ty-cho biết.

   Các hãng taxi cạnh tranh từng điểm bắt khách. Ảnh: Lê Hòa
Các hãng taxi cạnh tranh từng điểm bắt khách. Ảnh: Lê Hòa


Bên cạnh đó, từ năm 2019, taxi Mai Linh đưa ra dòng sản phẩm mới mang thương hiệu Hòa Bình Xanh với hầu hết xe sản xuất năm 2018 đến nay. Chiến lược tung ra sản phẩm chất lượng cao hướng đến phân khúc khách hàng có khả năng chi trả cao hơn, đồng thời cũng yêu cầu chất lượng dịch vụ tương xứng. Mới đây nhất, taxi Mai Linh đã triển khai ứng dụng hỗ trợ đặt xe thông qua app thay vì khách đón xe dọc đường hoặc đặt chuyến đi từ tổng đài như trước đây.

Tương tự, Công ty cổ phần Sun Taxi (taxi Sun), Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng (taxi Tiên Sa) cũng xây dựng app nhằm bắt kịp xu hướng thị trường. Điều này cũng hấp dẫn không ít nhà đầu tư quan tâm, hợp tác.

“Khi taxi Mai Linh triển khai dòng “xe công nghệ”, tôi quyết định tham gia hợp tác cùng Công ty. Tôi hy vọng nhờ nền tảng thương hiệu sẵn có, khả năng và hiệu quả hoạt động sẽ tốt hơn”-anh Nguyễn Thế Hùng (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) nói.

Cuối năm 2019, taxi Phố Núi (Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Phố Núi) ra đời. Là thương hiệu taxi mang dấu ấn địa phương, xuất hiện khi cuộc cạnh tranh giữa các hãng taxi đã khá gay gắt, taxi Phố Núi phải xây dựng cho mình một chiến lược đủ mạnh và khôn khéo nhằm tìm chỗ đứng trên thị trường.

“Chúng tôi chú trọng các dòng xe đời mới, đồng thời, chấp nhận cắt giảm lợi nhuận từ việc đưa ra mức giá phục vụ thấp hơn so với các đối thủ để thu hút khách hàng, nhất là giá cước đường dài. Song song với đó, thái độ và cung cách phục vụ của tài xế phải chuẩn mực, nhiệt tình”-ông Đặng Thành Dư-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Phố Núi-chia sẻ.

Giá cao do yếu tố đặc thù

Gần đây, không ít du khách khi đến Pleiku than phiền vì giá taxi cao hơn một số tỉnh, thành khác. Lý giải vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Gia Lai cho rằng, giá cước phục vụ được doanh nghiệp xây dựng dựa trên các yếu tố như: chi phí nhiên liệu; khấu hao xe; các loại thuế, phí; lương lái xe và nhân viên; lãi vay ngân hàng...

“Với những xe đời mới giá cao thì bắt buộc giá phục vụ phải tăng theo; bù lại, khách hàng được trải nghiệm sản phẩm tốt hơn. “Giá taxi luôn được tính trên cơ sở cước 2 chiều. Do vậy, ở đô thị lớn, tỷ lệ km trống (không có khách) trên số km vận hành không lớn, giá cước có thể khác so với các chuyến đi hầu như chỉ có khách 1 chiều như ở Gia Lai”-bà Ánh cho biết.

Taxi Phố núi-hãng taxi mới nhất vừa được thành lập năm 2019. Ảnh: Lê Hòa
Taxi Phố Núi-hãng taxi mới nhất vừa được thành lập năm 2019. Ảnh: Lê Hòa


Tương tự, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Phố Núi cũng cho rằng: Với địa hình đồi núi như Gia Lai, mức tiêu hao nhiên liệu, khấu hao xe phải cao hơn so với khu vực đồng bằng. Vì thế, giá cước taxi cao hơn cũng là điều dễ hiểu. “Giá 1 ly cà phê ở Sài Gòn cao hơn giá 1 ly cà phê ở Gia Lai bởi chi phí giá vốn khác nhau”-ông Dư nêu dẫn chứng.  

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Nguyễn Trường Sơn thông tin: “Với chính sách quản lý hoạt động vận tải đổi mới như hiện nay, các doanh nghiệp được tạo cơ chế để phát huy tính chủ động, sáng tạo trong kinh doanh, còn cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò hậu kiểm. Sở Giao thông-Vận tải luôn khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động tốt trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ vận tải xe taxi”.

Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cũng khẳng định, taxi cùng với các loại hình vận tải khác đã tạo mạch máu vận tải nhằm phục vụ tốt nhu cầu giao thương, đi lại của người dân cũng như góp phần vào sự phát triển chung của địa phương; nhất là trong giai đoạn du lịch phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có 557 phương tiện taxi thuộc 5 hãng: Mai Linh Gia Lai, Sun Taxi, Tiên Sa, Phố Núi, Hùng Nhân. So với 5 năm trước, số lượng xe taxi toàn tỉnh tăng gần gấp đôi.

 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm