Vận tải khách "đóng băng"do bão số 9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 28-10, hàng chục chuyến xe liên và nội tỉnh đã hủy chuyến do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Sáng ngày 28-10, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã ra thông báo khẩn yêu cầu không được tổ chức kinh doanh vận tải tại các vùng bão số 9 đổ bộ trong thời gian có bão.
 

Nhiều xe khách liên tỉnh trú tại Bến xe Đức Long trong ngày 28-10. Ảnh: Hải Lê
Nhiều xe khách liên tỉnh trú tại Bến xe Đức Long Gia Lai trong ngày 28-10. Ảnh: Hải Lê

Ngày 27-10, hàng loạt nhà xe khai thác tuyến vận tải liên tỉnh từ Gia Lai đi các tỉnh miền Trung được dự báo nằm trong khu vực bão số 9 đổ bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…) đồng loạt thông báo hủy chuyến để phòng tránh bão số 9. Các xe đều thông báo sẽ tạm dừng hoạt động ít nhất trong 2 ngày (27 và 28-10).  Ngày 28-10, hầu hết các xe xuất bến từ Gia Lai đi ra các tỉnh phía Bắc cũng đều thông báo tạm dừng do lo ngại bão số 9 ảnh hưởng đến hành trình di chuyển.

Tại Bến xe Đức Long Gia Lai, do ảnh hưởng cơn bão số 9, tối ngày 27-10, gần như không có xe xuất bến đi các tỉnh thành: Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình… Từ sáng đến chiều ngày 28-10, Bến chỉ ký lệnh xuất bến cho một vài trường hợp xe liên tỉnh từ Gia Lai đi Đak Lak và một số xe nội tỉnh từ Pleiku đi Ayun Pa, Krông Pa, Kbang. “Sau khi có văn bản chỉ đạo của Sở GT-VT, tất cả các xe đi đến vùng có bão chúng tôi đều không ký lệnh xuất bến. Thực tế, nhà xe khai thác tuyến này cũng không hoạt động vì không có khách hoặc lo ngại nguy hiểm nên tạm dừng. Những ngày bão đổ bộ, tại Bến chỉ có khoảng 50 phương tiện xuất bến, giảm trên 50% so với trước bão”-ông Nguyễn Tường Cọt- Giám đốc Bến xe Đức Long Gia Lai-cho hay. Tại các bến xe, xe xuất bến phần lớn có hành trình di chuyển vào các tỉnh phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu, Kiên Giang…).

Trước diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm của cơn bão số 9, từ trưa ngày 27-8, nhiều nhà xe khai thác tuyến vận tải khách liên tỉnh từ Gia Lai đi Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế đã tạm dừng tuyến/giảm chuyến để phòng ngừa thiệt hại do bão số 9. Trong đó, nhà xe Thuận Tiến dừng khai thác tuyến Gia Lai-Huế, Gia Lai-Đà Nẵng và ngược lại trong 2 ngày 27 và 28-10; nhà xe Đức Đạt tạm dừng khai thác tuyến Gia Lai-Đà Nẵng trong 2 ngày 27 và 28-10; nhà xe Hồng Hải giảm 50% số xe xuất bến trong 2 ngày 27 và 28-10… Song song với việc tạm dừng hoạt động, nhà xe đều hỗ trợ thay đổi thời gian di chuyển hoặc hoàn tiền mua vé khi khách có yêu cầu. “Việc tạm dừng phục vụ nhằm đảm bảo an toàn trong điều kiện mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp. Mặc dù việc đi lại bị gián đoạn,  nhưng hầu hết hành khách đều thông cảm và chấp thuận đổi thời gian hoặc nhận lại tiền đặt mua vé trước đó bởi tất cả đều lo lắng trước trận bão quá lớn”-ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Thuận Tiến Gia Lai, chia sẻ. Chỉ tính riêng nhà xe Thuận Tiến, trong 2 ngày 27 và 28-10 đã hủy gần 40 chuyến xe ở các đầu bến khai thác.

Tại các bến xe các huyện, tình trạng hủy chuyến, “rớt tài” diễn ra khá phổ biến. Theo thông tin từ Bến xe huyện Kbang, sáng ngày 28-10, các nốt tài từ Kbang đi Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nam đều thông báo “rớt tài”; các tuyến nội tỉnh hoạt động bình thường. Cùng ngày, tại Bến xe huyện Krông Pa, mặc dù mưa gió không quá lớn nhưng các chuyến từ Krông Pa đi Quy Nhơn, Hải Dương đồng loạt bỏ tuyến, ; xe nội tỉnh chỉ có 3 phương tiện xuất bến…

Do tính chất nghiêm trọng của cơn bão số 9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng có công điện về việc đảm bảo an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải trong thời gian bị ảnh hưởng của cơn bão số 9. Công điện nêu rõ: “Bão số 9 diễn biến phức tạp tại biển Đông và đang tiến vào đất liền với cường độ rất mạnh, ảnh hưởng rất lớn, bán kính ảnh hưởng rộng”, do đó yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai ngay các hành động ứng phó ở mức cao nhất nhằm đảm bảo an toàn hoạt động vận tải… Thực hiện chỉ đạo này, sáng ngày 28-10, Sở GT-VT đã ban hành Công văn khẩn số 2118/SGTVT-KHTCVT yêu cầu các bến xe khách không ký lệnh xuất bến cho các phương tiện hoạt động đến khu vực được dự báo có bão đổ bộ. “Trước mức độ nguy hiểm của cơn bão số 9, để đảm bảo an toàn cho hoạt động vận tải, Sở GT-VT yêu cầu các đơn vị không được tổ chức kinh doanh vận tải trong thời gian có bão (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ phòng-chống thiên tai). Sở GT-VT cũng khuyến cáo các phương tiện không đi vào các tuyến đường thuộc khu vực bão đổ bộ (từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên) đến khi bão tan”-ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở GT-VT-cho biết.


 

Khu vực bán vé của Bến xe Đức Long Gia Lai không một bóng người. Ảnh: Hải Lê
Khu vực bán vé của Bến xe Đức Long Gia Lai không một bóng người. Ảnh: Hải Lê

Về phía vận tải đường hàng không, ngày 27-10, Tổng cục Hàng không Việt Nam đã ra thông báo yêu cầu tạm dừng khai thác tại 6 Cảng Hàng không thuộc khu vực Nam Trung bộ-Tây Nguyên để ứng phó cơn bão số 9. Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu Cảng Hàng không Pleiku tạm dừng khai thác từ 21 giờ ngày 27-10 đến 19 giờ ngày 28-10. “Chuyến bay cuối cùng trong ngày 27-10 của hãng Vietjet Air, khởi hành tại Cảng Hàng không Pleiku vào lúc 17 giờ 45 phút. Sau đó, Cảng  triển khai ứng phó với bão ở mức cao nhất, di chuyển các trang thiết bị vào nơi tránh trú, đảm bảo an toàn người và cơ sở vật chất tại Cảng theo chỉ đạo của Cục Hàng không. Đồng thời, yêu cầu đại diện các hãng bay có đường bay khai thác tại Cảng thông báo đến hành khách về việc hủy chuyến để hành khách chủ động. Về phía Cảng đã thông báo đến các đối tác có hợp đồng khai thác dịch vụ tại khu vực Cảng (taxi, hàng hóa…) chủ động phương án kinh doanh.

Sau thời gian dài hoạt động trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động bay tại Cảng Hàng không Pleiku đang dần được khôi phục với tần suất tăng từ 4 chuyến/ngày (tháng 9) lên từ 6-9 đến  nay. Việc tạm dừng khai thác trong 2 ngày do ảnh hưởng của bão số 9 khiến nhiều chuyến bay tại Cảng buộc phải hủy. Hiện nay, tại Cảng Hàng không Pleiku đang khai thác 3 đường bay thường lệ: Pleiku-Hà Nội, Pleiku-TP. Hồ Chí Minh và Pleiku-Hải Phòng với sự tham gia của 4 hãng bay: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways. Riêng đường bay Pleiku-Đà Nẵng và Pleiku-Vinh, Bamboo Airways từng có kế hoạch khôi phục khai thác trở lại nhưng dịch bệnh Covid-19 quay trở lại vào hồi cuối tháng 7 đã khiến kế hoạch này của hãng chưa thể triển khai.

HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước