Doanh nghiệp kêu khó vay ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngân hàng (NH) Nhà nước sẽ nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thông thoáng hơn nữa bởi không những DN khó khăn mà cả các DN khỏe cũng cần "cú hích" để vượt khó sau dịch COVID-19.
Ngành dệt may cho biết đang gặp phải cảnh khó khăn kép, cả đầu vào lẫn đầu ra - Ảnh: T.V.N.
Đó là khẳng định của phó thống đốc thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị kết nối NH - DN nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, được tổ chức ngày 29-5 ở TP.HCM.
DN khỏe cũng cần tiếp sức để mở đường
Tại hội nghị, ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM - cho biết thời gian qua NH đã có chính sách hỗ trợ, giải cứu những DN gặp khó khăn do dịch. Tuy nhiên cũng có những DN thời gian này bắt đầu mới đối diện với hàng loạt khó khăn. "NH nên có chính sách đồng hành cùng những DN khỏe. Đừng chỉ tập trung vào những người bệnh nặng mà quên rằng cần những người đi trước để mở đường" - ông nói.
Theo ông Trần Lâm Hồng - phó tổng giám đốc Saigon Co.op, sau thời gian giãn cách, doanh thu Saigon Co.op giảm 30% so với trước đây. "Chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo đảm hàng hóa thiết yếu cũng như các vật dụng, trang thiết bị để bảo đảm phòng chống dịch nên hiện nay hàng hóa tồn kho sau dịch rất lớn. Riêng khẩu trang và các loại dung dịch thuốc sát khuẩn dự trữ hiện tồn kho 400 tỉ đồng, không biết bao giờ mới tiêu thụ hết" - ông Hồng cho biết.
Nhiều DN khác đề xuất NH Nhà nước tăng hạn mức cho vay với các DN có hoạt động kinh doanh ổn định để DN có nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Theo các DN, thông tư 01 chỉ có hiệu lực 3 tháng đến khi hết dịch là quá ngắn, nên kéo dài ít nhất 6 tháng để có thời gian phục hồi và thu hút nguồn vốn FDI.
Sẽ có "cú hích" giúp DN vượt khó
Trả lời các kiến nghị của DN về việc kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ và thời gian áp dụng thông tư 01, ông Đào Minh Tú cho biết NH Nhà nước sẽ tiếp thu và xác định như thế nào là phù hợp. Vì lúc này chưa hết dịch nên chưa thể nào biết thiệt hại của DN như thế nào.
Cũng theo ông Tú, thông tư 01 không phải là bất biến và NH Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư 01 sửa đổi, bổ sung dựa trên phản ánh thực tế của NH và DN khi triển khai cơ cấu nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch.
Ông Tú cũng cho biết rất tâm đắc với kiến nghị rằng sau dịch, không chỉ quan tâm đến những DN khó khăn, yếu kém mà ngay cả những DN khỏe có khả năng bứt phá để phát triển nhưng vướng mắc trong vấn đề thị trường, trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chưa có dòng tiền. Bởi chỉ cần một "cú hích", những DN này có thể vượt qua được đoạn mấp mô.
"Đây là những nội dung cũng nằm trong chủ trương, chính sách của Nhà nước làm sao để khôi phục kinh tế một cách nhanh nhất. Không chỉ những DN yếu mà cả những DN khỏe, lớn cũng cần phải có hỗ trợ để sớm bứt phá" - ông Tú khẳng định.
Ngành dệt may muốn được hỗ trợ lãi suất 24 tháng

Theo ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, chưa bao giờ chứng kiến ngành dệt may gặp phải cảnh khó khăn kép cả đầu vào lẫn đầu ra như hiện nay.

Để giữ chân người lao động, DN vẫn phải sản xuất nhưng hàng không xuất được, tồn kho rất lớn. Có những đơn hàng đã xuất đi mà vẫn còn nằm ở cảng. Thị trường xuất khẩu lẫn nội địa cũng khó khăn. Doanh thu của các DN chỉ khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn giai đoạn này, theo ông Việt, NH cần hỗ trợ lãi vay 24 tháng thay vì 12 tháng, đồng thời giữ ổn định tỉ giá.

Phải gỡ rào cản về thủ tục

Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm - kiến nghị cần tháo gỡ rào cản về thủ tục, mở rộng hỗ trợ các DN tiếp cận các khoản cho vay mới, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay...

Theo bà Chi, để tiếp cận được vay ưu đãi, thời gian qua DN phải chứng minh được thiệt hại, bị giảm doanh thu, lợi nhuận... rất phức tạp. "Do thủ tục khá phức tạp, đến nay số lượng DN ngành lương thực thực phẩm được hỗ trợ chỉ đếm trên đầu ngón tay" - bà Chi nói.

A.HỒNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm