Quy mô gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đã lên tới 650.000 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quy mô của gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp do các ngân hàng triển khai hiện đã lên khoảng 650.000 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với mức đăng ký ban đầu.



Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết các ngân hàng đang tích cực triển khai gói cho vay mới với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, quy mô của gói tín dụng này hiện đã lên tới khoảng 650.000 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với mức đăng ký ban đầu, với lãi suất cho vay thấp hơn thời điểm trước dịch khoảng 1-2 điểm %.

Đến nay, 147.637 khách hàng đã được vay với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23-1 đạt khoảng 553.000 tỉ đồng. Các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.746 khách hàng với số dư nợ khoảng 128.210 tỉ đồng. Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỉ đồng. Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ là 980.163 tỉ đồng, mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2 điểm %. Thậm chí, một số tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay tới 4%/năm so với trước khi có dịch…

 Quy mô gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng đã lên tới 650.000 tỉ đồng. Ảnh: Lam Giang
Quy mô gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng đã lên tới 650.000 tỉ đồng. Ảnh: Lam Giang



Liên quan đến những ý kiến của doanh nghiệp về khó khăn trong tiếp cận vốn vay, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết cần hiểu đúng các gói tín dụng. Chẳng hạn, gói 300.000 tỉ đồng (quy mô gói tín dụng các ngân hàng đăng ký ban đầu) không phải gói cứu trợ kinh tế được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mà là gói tín dụng thông thường.

Các ngân hàng lấy từ nguồn tiền gửi của khách hàng và phải trả lãi suất huy động để cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Vì thế, cơ chế, quy trình cho vay cũng phải thực hiện theo quy định hiện hành nhưng áp dụng lãi suất ưu đãi hơn, tùy chính sách và năng lực của từng ngân hàng.

"Gói tín dụng hỗ trợ này là sự chia sẻ lợi nhuận của ngân hàng dành cho khách hàng và ngân hàng phải chú ý đến khả năng doanh nghiệp kinh doanh không có hiệu quả thì sẽ dẫn đến nợ xấu" - ông Nguyễn Toàn Thắng nói.

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9-5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết ngành ngân hàng cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có phương án điều hành lãi suất phù hợp, xem xét giảm tiếp lãi suất điều hành như tái cấp vốn, chiết khấu, thị trường mở… Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay một cách bền vững trong thời gian tới.

Ngay sau hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập đoàn công tác làm việc tại các địa phương nhằm nắm bắt tình hình thực hiện giải pháp của ngành để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh; phối hợp với các hiệp hội hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng...

 

Theo Thái Phương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.