Lễ hội nông sản địa phương tại Gia Lai: Kết nối sản xuất với tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 16 đến 20-5, Hiệp hội Doanh nghiệp phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Gia Lai và Siêu thị Co.op Mart Pleiku tổ chức lễ hội nông sản địa phương với sự tham gia của 16 hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để người sản xuất quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản sạch đến với người tiêu dùng.



Gian hàng trưng bày hàng nông sản được bố trí ngay hành lang thương mại của Siêu thị Co.op Mart Pleiku thu hút rất đông khách đến tham quan, mua sắm. Chị Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Marketing và Dịch vụ khách hàng (Siêu thị Co.op Mart Pleiku) cho biết: Các gian hàng trưng bày những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương gồm: cà phê, hồ tiêu, măng khô, thịt bò khô, tinh bột nghệ, mật ong, cao đinh lăng, trà, đông trùng hạ thảo… Nét  mới của lễ hội nông sản lần này là hầu hết các doanh nghiệp, hộ cá thể, hợp tác xã tham gia đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh năm 2019 và các sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu. Lễ hội nhằm kết nối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

  Lễ hội nông sản địa phương là dịp để kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh: V.T
Lễ hội nông sản địa phương là dịp để kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh: V.T



Tham gia trưng bày sản phẩm tại lễ hội nông sản địa phương, ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) cho hay, Công ty đã có sự chuẩn bị khá chu đáo từ số lượng hàng đến khâu tiếp thị khách hàng. Việc tham gia lễ hội là dịp để Công ty giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. “Sản phẩm của Công ty đã đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019. Năm nay, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp nhãn mác, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường để phấn đấu nâng cao thứ hạng”-ông Tuân nói.

Cũng tham gia lễ hội này, chị Trịnh Thị Lương-chủ thương hiệu cà phê Dalasa (155 Trường Chinh, TP. Pleiku) cho biết: “Lâu nay, các sản phẩm cà phê sạch của cơ sở được đẩy mạnh tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc, gần như chưa chú trọng vào thị trường trong tỉnh. Do đó, qua các hoạt động xúc tiến thương mại như lễ hội nông sản địa phương lần này, người tiêu dùng biết đến sản phẩm của cơ sở nhiều hơn. Đó là động lực để cơ sở mở rộng đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mình”. Còn bà Nguyễn Thị Kim Phương-chủ cơ sở Bò khô Du Ký Tùng Phương (25-33 Cao Bá Quát, TP. Pleiku) thì kỳ vọng: “Tham gia lễ hội lần này, chúng tôi được quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Qua lễ hội, cơ sở cũng đã tìm kiếm được đối tác là doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương để thiết lập mối liên kết tiêu thụ sản phẩm”.

Tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh, anh Trần Minh Trung (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho hay: “Tuy quy mô không lớn nhưng lễ hội nông sản địa phương được tổ chức ngay trong khuôn viên Siêu thị Co.op Mart Pleiku nên thuận tiện cho việc tham quan, mua sắm. Các sản phẩm ở đây đều đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có tem truy xuất nguồn gốc nên tôi rất yên tâm khi mua”.

Lễ hội nông sản địa phương là dịp để doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý rõ ràng đến với người tiêu dùng. Qua đó, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; đồng thời tạo sự kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để mang lại hiệu quả cao hơn.

 

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước