Gia Lai hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chính quyền và ngành chức năng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã chủ động phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.



Doanh nghiệp nỗ lực

Như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-lâm sản Đường Vạn Phát (huyện Krông Pa) cũng lâm vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bà Bùi Thị Quy-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: 4 tháng nay, tình hình khô hạn kéo dài làm cho vùng nguyên liệu mì, mía của Công ty chết khô hoặc không phát triển. Nông dân mất mùa kéo theo Công ty Đường Vạn Phát không thu hồi được nợ đầu tư trên địa bàn huyện Krông Pa và các huyện khác. Cùng lúc, dịch Covid-19 xảy ra khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty bị đình trệ. Đến nay, số nợ Công ty không thu hồi được từ nông dân trồng và chăm sóc mía nguyên liệu là gần 16,5 tỷ đồng. “Cho tới thời điểm này, vụ mía, vụ mì đã trôi qua, chúng tôi cũng đã tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước. Gần 4 tháng đình trệ sản xuất nhưng chúng tôi vẫn trả lương đầy đủ cho công nhân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn được giãn nợ gốc trả vay ngân hàng trong 2 năm, từ năm 2020 đến tháng 5-2022; xin giảm lãi suất ngân hàng 4%/năm; xin hoãn lại tiền lãi chậm trả cho đến khi tái sản xuất”-bà Quy đề xuất.

  Quang cảnh hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: H.D
Quang cảnh hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: H.D



Trong khi đó, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (TP. Pleiku) lại tỏ ra lạc quan hơn: “Khi dịch xảy ra, Công ty gần như đình trệ hoạt động nhưng chúng tôi có những chiến lược cho việc phòng-chống dịch và hồi phục sau dịch. Điều mà doanh nghiệp cảm thấy vui và tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp chính là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ của các sở, ngành của tỉnh làm điểm tựa cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hiện 100% lao động của Công ty đã quay lại làm việc bình thường”.

Chính quyền đồng hành

Đến nay, Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch Covid-19. Đây là thời điểm vàng để tập trung các biện pháp phục hồi nền kinh tế. Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn ra sáng 9-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ có một nghị quyết cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Riêng Gia Lai, với thuận lợi là địa phương thời gian qua không có trường hợp bị nhiễm bệnh Covid-19, mọi hoạt động nhanh chóng trở lại bình thường sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Hiện cả tỉnh nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang nỗ lực vực dậy các hoạt động kinh tế để thoát khỏi những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

DN được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động. Ảnh: Hà Duy
Doanh nghiệp được tỉnh Gia Lai tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động. Ảnh: Hà Duy



Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Chủ trương của tỉnh là vừa khống chế dịch bệnh vừa đôn đốc, thúc đẩy, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Các sở, ngành luôn đồng hành với doanh nghiệp. Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid-19 theo từng quý. Trong đó có nhiều giải pháp như cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; cùng với ngành Nông nghiệp và PTNT, ngành Công thương tìm kiếm thông tin thị trường; ngành Ngân hàng tích cực triển khai những kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan tới vay vốn, giãn nợ…”.

Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gần như đình trệ, không trả được nợ dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng; nhiều doanh nghiệp đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ. Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tiền tệ, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông Nguyễn Hải Sơn-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-thông tin: “Chúng tôi đã đề nghị các tổ chức tín dụng phải tích cực cứu doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm để không chỉ cứu doanh nghiệp mà còn cứu chính bản thân mình. Chúng ta đã có những giai đoạn nợ xấu trên 3%, nếu không làm quyết liệt, không hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì nợ xấu không dừng lại ở đó mà có thể đẩy lên 7-8%, rất nguy hiểm. Do đó, trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tích cực hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp”.

Nông sản trên địa bàn tỉnh đa số xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Khi dịch bệnh xảy ra, thị trường này gần như “đóng băng” khiến nông dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: “Sở đã phối hợp với Sở Công thương tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, bước vào sản xuất vụ mùa, ngành cũng đã phối hợp với các địa phương bàn bạc để tổ chức mở rộng sản xuất đối với các cây trồng ngắn ngày, cây trồng có lợi nhuận cao, những vùng có điều kiện nước tưới, đất đai phù hợp, duy trì phát triển cây trồng chủ lực, đảm bảo sản phẩm chủ lực của tỉnh để xuất khẩu sau dịch. Ngành cùng với các địa phương cũng đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế của ngành, dự kiến vượt kế hoạch đề ra 1,4%” .

Thông qua các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự chủ động, quyết tâm của doanh nghiệp, tin rằng những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng được khắc phục, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhanh chóng ổn định và phát triển.

 

HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm